Gió đổi chiều
Ẩn ức trắng (Bách Việt và NXB Dân Trí) của tác giả Kim Tam Long ra mắt, không chỉ góp thêm vào dòng chảy của văn học trinh thám Việt mà còn là một bất ngờ đối với độc giả. Tác phẩm của Kim Tam Long lôi cuốn và hấp dẫn, khi vụ án này chưa kết thúc đã có những vụ án khác xuất hiện. Việc liên tục tung ra những cú twist bất ngờ cũng là một dấu ấn riêng cho tác phẩm. Trước Ẩn ức trắng, Kim Tam Long từng ra mắt tiểu thuyết Mặt nạ trắng và đang có kế hoạch viết thành sê-ri “trắng”.
Ngoài Kim Tam Long, sau thời gian đứt đoạn, có phần chìm lắng, gần đây văn học trinh thám trong nước đang có dấu hiệu khởi sắc với sự ra mắt của hàng loạt tác phẩm của tác giả trẻ. Có thể kể đến Đức Anh với Tường lửa và Thiên thần mù sương; Nguyễn Dương Quỳnh với Thăm thẳm mùa hè; Phạm Anh Tuấn với Đánh đổi và Bẫy; Phi Hành Gia với Con ảo… Hầu hết họ đều thuộc thế hệ 8X và 9X.
Trước đó, một số tác giả thuộc thế hệ 7X cũng đã có những tác phẩm trinh thám gây được tiếng vang như Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Đào Trung Hiếu, Giản Tư Hải…
Chị Lê Thị Minh Nguyệt, phụ trách truyền thông của Bách Việt, cho biết: “Khi đọc bản thảo, Bách Việt nhận thấy sự chuyên nghiệp cũng như tiềm năng trong mỗi tác phẩm và hơn hết chính là thái độ nghiêm túc của người viết với con đường họ theo đuổi. Trinh thám Việt vẫn đang là một mảnh đất màu mỡ cho các tác giả tự do thể hiện tài năng. Đó là lúc chúng tôi cảm thấy cần ngay và luôn - tạo nên một sân chơi hấp dẫn cho những cây bút trinh thám Việt thoải mái đua tài”.
Cách đây hơn 10 năm, nhà văn Di Li ra mắt Trại hoa đỏ và lập tức gây tiếng vang trên văn đàn. Sau đó không lâu, chị trình làng Câu lạc bộ số 7. Nói về dòng văn học trinh thám ở Việt Nam, nhà văn Di Li chia sẻ: “Trong 10 năm qua, trinh thám vẫn túc tắc được độc giả yêu thích ở Việt Nam và cũng… túc tắc có người viết. Như vậy là đáng mừng rồi. Vì cách đây 15 năm đã có một giải thưởng rất lớn dành cho người viết trinh thám nhưng giải đưa ra rồi lại phải thu về vì không có người dự thi”.
Còn nhiều thách thức
Có một thực tế: thể loại trinh thám dù rất được độc giả quan tâm nhưng dường như đây vẫn là thể loại không được đánh giá cao đối với văn chương chính thống, khi nhiều nhà văn trong nước không mặn mà. Trong các giải thưởng - trừ cuộc thi do Bộ Công an tổ chức, các tác phẩm trinh thám ít khi được vinh danh.
Ngoài ra, dù độc giả yêu thích thể loại trinh thám, nhưng tâm lý chung vẫn là chuộng tác phẩm ngoại hơn. Với tác phẩm của các tác giả Việt, nhất là tác giả trẻ, họ đón nhận với thái độ e dè. Tác phẩm được xuất bản với số lượng khiêm tốn 1.000 - 2.000 cuốn/đầu sách.
Theo chị Minh Nguyệt, con đường đưa trinh thám Việt non trẻ cạnh tranh với trinh thám nước ngoài đã có bề dày tuổi tác không thể trong một sớm một chiều và đòi hỏi rất nhiều tâm huyết.
“Tuy nhiên về cơ bản, những tác phẩm chúng tôi xuất bản đều được đón nhận khá tốt. Ẩn ức trắng gần đây đang làm rất tốt nhiệm vụ xóa bỏ định kiến về việc trinh thám Việt không được giật gân như trinh thám ngoại: bố cục cuốn sách rất gọn gàng, chặt chẽ đồng thời bám sát những mô-típ trinh thám hiện đại đang thịnh hành trên thế giới”, chị Minh Nguyệt nói thêm.
Nhà văn Di Li cho rằng, độc giả trinh thám đầu tiên đều tiếp xúc với trinh thám nước ngoài, mà trinh thám nước ngoài lại được chuyển ngữ từ những cuốn hay nhất mọi thời đại.
Tác giả của Trại hoa đỏ bày tỏ: “Ở các quốc gia khác, trinh thám là thể loại được trao giải riêng, vì vậy nó có một sân chơi riêng và không thể so sánh với các thể loại khác. Ở Việt Nam, trinh thám không biết được đứng vào đâu, tuy nhiên trong vòng 10 năm, cuốn sách của tôi đã được tái bản 4 lần, lên đến hơn 10.000 bản in, thì tôi cũng thấy tạm ổn với con đường đã chọn”.
Cũng theo nhà văn Di Li, một thách thức nữa với người viết trinh thám là tìm kiếm tư liệu. Một thách thức nữa không kém phần quan trọng là trí tưởng tượng, vốn là thứ không phải thế mạnh của văn hóa châu Á.
“Nói chung lĩnh vực nào càng nhiều thách thức, người theo đuổi đường trường càng cần sự dũng cảm, bản lĩnh và niềm đam mê. Còn chưa viết đã nghĩ đến danh tiếng và tiền bạc thì những thứ đó sẽ không bao giờ đến được với ta đâu”, nhà văn Di Li đúc kết.