Văn học trẻ Việt ra thế giới: Cơ hội còn... trên giấy

Vị thế của văn học trẻ Việt Nam và câu chuyện bước ra thế giới được bàn luận sôi nổi trong chương trình giao lưu với chủ đề Văn học trẻ Việt Nam trong dòng chảy giao lưu quốc tế, được tổ chức mới đây tại Trường ĐH KHXH và NV TPHCM.
Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang (thứ 2 từ trái qua) tại chương trình Văn học trẻ Việt Nam trong dòng chảy giao lưu quốc tế
Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang (thứ 2 từ trái qua) tại chương trình Văn học trẻ Việt Nam trong dòng chảy giao lưu quốc tế

Không thua kém thế giới

Câu chuyện dịch và quảng bá văn học Việt ra thế giới đang là vấn đề được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. Có điều, trong bức tranh chung đó, dường như văn học trẻ đang bị “bỏ rơi”. Bởi trước 8X, thế hệ 7X đã có nhiều tác giả, tác phẩm được giới thiệu ra nước ngoài như: Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… Tuy nhiên, thế hệ 8X trở về sau này vẫn chưa có tác phẩm nào được dịch để giới thiệu ra nước ngoài.

Nhà phê bình văn học - PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh cho rằng, có thể nền văn học trẻ của chúng ta chưa mạnh, chưa nổi bật, nhưng nếu chọn tác giả để đầu tư dịch thuật thì vẫn có, như: Nguyễn Thị Kim Hòa, Huỳnh Trọng Khang, Lê Vũ Trường Giang, Hiền Trang, Nguyễn Trần Khải Duy… “So với văn học trẻ thế giới, mặt bằng tác phẩm văn học của các nhà văn trẻ Việt Nam không thua kém. Bởi vì bây giờ thị hiếu, thẩm mỹ của thế giới rất đa dạng; đâu cứ phải là tinh hoa, là bác học mới dịch được. Có thể, văn học trẻ của chúng ta đôi khi sẽ chạm đến những rung động nào đó của độc giả nước ngoài thì người ta sẽ thích thôi”, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh chia sẻ.

Còn theo TS - dịch giả Nguyễn Thị Hiền, có một tín hiệu đáng mừng, đó là mỗi thế hệ sẽ có một số cây bút rất hay và không thua kém gì so với thế hệ trước. Trước đây, các tác giả trẻ hay mô phỏng phong cách của các nhà văn thế giới, nhưng gần đây, một số cây bút trẻ 8X hoặc 9X như Trường An, Bạch Đằng, Nhật Phi… đã có những thử nghiệm với những chất liệu dân gian như truyện cổ tích hoặc lịch sử với những góc nhìn rất hiện đại. “Đây là bước đầu mà chúng ta có thể đi đến toàn cầu hóa văn học. Với những thể nghiệm đó, chúng ta tiếp tục tạo ra được bản sắc riêng, tạo ra bản sắc Việt, và đặc biệt là có thể hòa nhập vào văn học thế giới. Lúc đó, chuyện đưa văn học trẻ Việt Nam lan tỏa xa hơn là điều mà chúng ta có thể làm trong thời gian tới”, TS Nguyễn Thị Hiền khẳng định.

Hãy kể câu chuyện của mình

Theo PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện chủ yếu do các cá nhân thực hiện, đặc biệt là những cá nhân giỏi tiếng Anh, bởi đây vẫn là thị trường lớn nhất thế giới. Trước đây có nhà văn, dịch giả Nguyễn Quí Đức đã dịch Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp… “Tất cả đều là nhờ cá nhân, chứ hiện vẫn chưa có chính sách gì của nhà nước. Theo tôi, các hội như Hội Nhà văn phải tập trung vào chuyện này, kêu gọi nguồn kinh phí, tài trợ nào đó để đầu tư cho đội ngũ dịch giả cũng như việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt, trong đó có văn học trẻ ra thế giới”, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh bày tỏ.

Trong khi chờ một chiến lược dịch và quảng bá các tác phẩm văn học của các nhà văn trẻ ra thế giới, điều mà không ít cây bút trẻ quan tâm hiện nay là viết về những vấn đề mang tính phổ quát, hay viết về bản sắc? Trước vấn đề này, TS Nguyễn Thị Hiền dẫn chứng một số tiểu thuyết của Hàn Quốc như Kim Ji Young, sinh năm 1982 (tác giả Cho Nam-joo), Công chúa Bari (Hwang Sok-Yong), Người ăn chay (Han Kang)… Đây đều là những tác phẩm rất Hàn Quốc nhưng vẫn được độc giả quốc tế đón nhận. “Chúng ta đọc trong đó sẽ thấy có nhiều vấn đề thời sự mà cả thế giới đang quan tâm, như di dân, chiến tranh, người tị nạn, nữ quyền, phân biệt sắc tộc… Bất kỳ độc giả nước nào đọc cũng sẽ đồng cảm với những vấn đề mà tác giả đưa ra”, TS Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Ở khía cạnh của một người viết, theo nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang, từng có người đặt vấn đề không có tác phẩm lớn vì thiếu chủ đề lớn, nhưng trên thế giới có những nhà văn kể những câu chuyện rất cá nhân nhưng chạm được đến nhân loại, như trường hợp nữ nhà văn Pháp Annie Ernaux vừa đoạt giải Nobel Văn chương năm 2022. Bởi vậy, theo anh, rào cản lớn nhất có lẽ là năng lực của chính mình. Người viết hãy tự hỏi bản thân đang có rào cản gì, giới hạn của mình và mình có thể học gì để vượt qua giới hạn bản thân.

Tin cùng chuyên mục