Môi trường thuận lợi cho VHNT phát triển
Là thành phố đông dân nhất cả nước, TPHCM còn là nơi hội tụ của nhiều trào lưu, dòng chảy văn hóa khu vực và thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống, hoạt động nghệ thuật của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi. Bằng những nỗ lực không ngơi nghỉ, đội ngũ văn nghệ sĩ đã cho ra đời những tác phẩm vừa có chất lượng nghệ thuật cao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân không chỉ ở TPHCM mà còn ở khắp các vùng miền của Tổ quốc và cả ở nước ngoài.
Để có được những thành tựu đó, không thể phủ nhận tài năng, công sức của các văn nghệ sĩ, nhưng cũng cần phải ghi nhận nỗ lực của chính quyền TPHCM để xây dựng được một môi trường thuận lợi cho văn nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo và thể hiện.
Đến nay, TPHCM có khoảng 97.000 người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, VHNT với khoảng 17.670 doanh nghiệp (chiếm 7,74% tổng số doanh nghiệp của thành phố). Tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp văn hóa khoảng 14% năm và đang đóng góp khoảng 5,7% GRDP hàng năm của thành phố. Như vậy, VHNT ở thành phố không chỉ đóng góp vào đời sống tinh thần, mà còn có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Để thúc đẩy không khí sáng tác, nâng cao chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ, thành phố đã liên tục tổ chức nhiều cuộc thi vận động sáng tác, các giải thưởng. Ngoài những giải thưởng định kỳ hàng năm của các hội nghề nghiệp, phải kể đến những giải thưởng như: Giải thưởng VHNT TPHCM; Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2025; Giải thưởng Sáng tạo TPHCM…
Đặc biệt, vừa qua HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết “Quy định về nội dung chi và mức chi giải thưởng cuộc thi, liên hoan, cuộc vận động sáng tác trên lĩnh vực VHNT chuyên nghiệp”, một chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường sáng tác của các văn nghệ sĩ.
Và không thể không kể đến công tác xã hội hóa trong lĩnh vực VHNT đã góp phần làm thay đổi đáng kể đời sống VHNT của người dân thành phố. Cũng từ đây, nhiều tác phẩm trên các lĩnh vực như văn học, điện ảnh, sân khấu, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh… tạo dấu ấn không chỉ với công chúng thành phố mà còn được công chúng cả nước biết đến. Việc kết hợp những sản phẩm văn hóa và du lịch cũng được chú ý, thu hút đông đảo các du khách đến với TPHCM.
Xây dựng công nghiệp văn hóa ở TPHCM
Năm 2024 được xem là năm có tính chất bản lề để đến năm 2025 sẽ bùng nổ các hoạt động văn hóa nhằm chào mừng nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, trong đó có kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để có được những tác phẩm hay, đặc sắc, TPHCM đã xúc tiến và tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm VHNT như: Bình chọn những tác phẩm tiêu biểu của VHNT TPHCM giai đoạn 1975 -2023; Giải thưởng VHNT TPHCM lần thứ ba (2018-2022)… và hàng loạt cuộc vận động sáng tác các tác phẩm VHNT theo chuyên đề cụ thể trong từng lĩnh vực.
Ngoài ra, còn phải kể đến những hoạt động sẽ diễn ra tại TPHCM trong năm 2024 như Liên hoan Âm nhạc quốc tế; Liên hoan Sân khấu; Liên hoan Phim quốc tế TPHCM, Liên hoan Ca múa nhạc thành phố…
PHCM cũng tiếp tục các giải pháp để góp phần thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Bộ VH-TT-DL đề ra. Thời gian qua, TPHCM đã chủ động xác định mũi nhọn phát triển công nghiệp văn hóa gồm 8 lĩnh vực: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang… và từ những lĩnh vực này, công nghiệp văn hóa của thành phố sẽ trở thành một động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu quốc tế, nâng cao vị thế, hình ảnh vùng đất và con người TPHCM.
Hướng đến tương lai, VHNT TPHCM sẽ và phải có sự phát triển vượt bậc, một mặt để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của người dân, mặt khác trở thành một nền công nghiệp văn hóa mạnh, sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao. Từ đó, góp phần gia tăng sự phát triển bền vững của văn hóa, tạo nên “sức mạnh mềm” của địa phương, khẳng định thương hiệu TPHCM, thực hiện thành công chủ trương “Phát triển văn hóa thành phố theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân TPHCM”.
Sáng 17-12, tại Trung tâm Hội nghị TPHCM, Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập. Tháng 12-1963, Hội Văn nghệ Giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Sau ngày 30-4-1975, hội đổi tên thành Hội Văn nghệ Giải phóng TPHCM, đến năm 1985 tiếp tục được đổi tên thành Hội Liên hiệp VHNT TPHCM và chính thức mang tên Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM từ năm 2001 đến nay.
Hiện tại, Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM có 9 hội thành viên, gồm: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Nghệ sĩ múa và Hội VHNT các dân tộc thiểu số thành phố, với trên 5.000 hội viên, đóng vai trò quan trọng trong đời sống VHNT Sài Gòn - TPHCM trong suốt 60 năm qua.
Nhằm hỗ trợ các thành phố ở Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Bộ VH-TT-DL đã đưa ra Đề án phát triển hệ thống các thành phố sáng tạo Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2023, trong đó TPHCM là một trong những thành phố được lựa chọn ứng cử.
Hiện nay, có 2 lĩnh vực của TPHCM được đánh giá cao là phim ảnh và nghệ thuật truyền thông đa phương tiện. Trong năm 2024, TPHCM sẽ hoàn thiện đề án để trình lên UNESCO xem xét tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là những thành phố chú trọng phát triển 7 lĩnh vực. Ngoài 2 lĩnh vực đã kể trên, 5 lĩnh vực còn lại gồm: Nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ, thiết kế, ẩm thực, văn học, âm nhạc.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 350 thành phố tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Các thành phố này đang cùng nhau hợp tác tích cực ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế vì một mục tiêu chung: phát triển sự sáng tạo và nền công nghiệp văn hóa để phục vụ cho sự phát triển của đô thị và đời sống người dân.