Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi do sự đứt gãy trong xuất bản, dòng chảy văn học Nga vẫn sống mãi với bạn đọc Việt Nam, nhất là những thế hệ sinh ra ở thập niên 1970 - 1980 của thế kỷ 20.
Những cuốn sách gối đầu giường
Tại Hội sách cũ Hà Nội tổ chức vào tháng 4-2017, một trong những dòng sách được chú ý nhiều nhất là sách Nga - Xô Viết. Đó là từ chỉ thông dụng dòng sách được xuất bản trong giai đoạn những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước do 2 NXB lớn của Liên bang Xô Viết khi ấy là Cầu Vồng và Tiến Bộ xuất bản bằng tiếng Việt để hỗ trợ bạn đọc Việt Nam.
Bạn đọc Hồ Văn Thường, nhà ở Đốc Ngữ, Hà Nội bồi hồi khi gặp lại tại đây tác phẩm Xibiri của nhà văn Nga Georgi Markov. Đây là cuốn sách đầu tiên ông được đọc khi nhập ngũ, đóng quân tại Thường Tín. Cuốn sách đã cuốn ông vào một thế giới mới, đưa ông đến với một vùng đất cực kỳ xa lạ nhưng lại trở nên gần gũi đến mức sau này đã có lần ông định đi du lịch ở đây nhưng chẳng tìm được đơn vị du lịch nào phục vụ nhu cầu này. Và một điều mà ông ấn tượng mãi là tính cách mạng trong tác phẩm được lồng ghép nhẹ nhàng và khéo léo đến nỗi, say sưa đọc hết, cảm thấy người rạo rực như chính mình là nhân vật chính vượt qua hành trình trắc trở để hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.
Chỉ tính riêng tại Hội sách cũ Hà Nội, những cuốn sách văn học Nga được bán rất nhanh, đến mức gần như cung không thể đáp ứng cầu. Chỉ vài tháng sau, ở Hội chợ sách cũ tại TPHCM, văn học Nga tiếp tục làm mưa làm gió khi những cuốn sách như Thép đã tôi thế đấy, Cánh buồm đỏ thắm, Bim trắng tai đen, Những linh hồn chết, Cây xanh rì rào… được săn lùng, tìm kiếm nhiều nhất. Và điều đáng nói là bên cạnh giá trị nội dung của tác phẩm, mỗi cuốn sách còn là một kỷ niệm của người đọc. Nói về những cuốn sách thiếu nhi Nga trong giai đoạn này, NSƯT Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Tiếng Nga Đại học Hà Nội, cho rằng: “Biết bao nhiêu cậu bé, cô bé ở nước ta đã lớn lên thành người với những cuốn sách gối đầu giường, dạy cho họ biết sống thẳng ngay, biết đường thương yêu, biết đường căm ghét, biết vươn tới những lý tưởng nhân văn cao cả”. Những Mít Đặc và các bạn, Bác sĩ Aibôlít, Ông già Khốt ta bít, Buratino, Timur và đồng đội, Vitya Maleyev ở nhà và ở trường… đã góp phần không nhỏ nuôi dưỡng tâm hồn thiếu nhi Việt Nam trong suốt giai đoạn những năm 1970-1980 và cho đến tận bây giờ. Có những tác phẩm trở thành kinh điển như Ông già Khốt ta bít trở thành một tiếng lóng trong xã hội Việt Nam, như Bác sĩ Aibôlít thành một khái niệm về nhân từ và cao cả…
Không chỉ có văn học, dòng sách khoa học dành cho thiếu nhi Nga cũng ảnh hưởng không nhỏ đến bạn đọc Việt Nam. Khi ra mắt tủ sách Cánh cửa mở rộng của NXB Trẻ, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đã tiết lộ, một trong những cuốn sách đưa ông đến với tình yêu toán học chính là tác phẩm Thuyền trưởng đơn vị của nhà văn Nga Vladimir Levshin.
Dòng văn học độc đáo
Từng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa đọc Việt Nam, có lúc một NXB trong nước mỗi năm chỉ riêng sách văn học Nga đã dịch, in và xuất bản đến gần 500 cuốn. Thế nhưng, sau khi Liên Xô tan rã, dòng sách này dần thiếu hụt, vắng bóng. Gần đây NXB Kim Đồng là đơn vị tiên phong trong cả nước tái lập tủ sách văn học Nga mà trọng tâm là dòng sách văn học thiếu nhi. Kim Đồng là một trong những NXB có truyền thống làm sách Nga từ những năm 1960, vào thập niên 80 của thế kỷ trước cũng đơn vị này đã cùng NXB Cầu Vồng của Liên Xô thực hiện nhiều đầu sách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử, dòng sách thiếu nhi Nga ngày càng hạn hẹp.Bà Vũ Quỳnh Liên, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề bản quyền. Nếu trước đây, các tác phẩm đều có chung một mối liên hệ là Liên bang Xô Viết thì sau này chia ra nhiều nước cộng hòa. Việc tìm kiếm, liên hệ bản quyền là rất phức tạp. Phải đến sau này, cùng với việc phối hợp với các đơn vị làm sách có mối quan hệ sâu rộng với giới làm sách Nga, việc xuất bản các tác phẩm Nga, nhất là những tác phẩm thời Nga - Xô Viết mới, trở nên thuận lợi hơn. Hiện nay, dòng sách thiếu nhi Nga được xem là dòng sách có sức bán rất tốt. Các tác phẩm dạng kinh điển như Mít Đặc và các bạn, Bác sĩ Aibôlít, Ông già Khốt ta bít, Buratino… tái bản đều đặn mỗi năm, điều mà ít có tác phẩm thiếu nhi nào làm được hiện nay.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là bạn đọc Việt nhớ đến văn học Nga vẫn chỉ dừng lại giai đoạn Xô Viết, dòng văn học Nga hiện nay hầu như không được chú ý đến. Bà Vũ Quỳnh Liên cho biết, nguyên nhân có nhiều mặt, một phần là bản thân văn học Nga cũng ít có mối quan hệ với hệ thống phát hành thế giới, muốn tìm sách Nga chỉ có đến Hội sách Mátxcơva.
Thời gian qua, với việc gắn kết, giao lưu văn hóa giữa hai nước được phát triển mạnh mẽ, văn học Nga cũng dần quay lại với bạn đọc Việt Nam. Tại Tuần lễ sách Nga vừa qua, bên cạnh việc ôn lại những kỷ niệm trong việc dịch và đọc văn học Nga - Xô Viết trong quá khứ, các dịch giả, bạn đọc cũng đã trao đổi về triển vọng tiếp tục giới thiệu văn học Nga đương đại đến các thế hệ người đọc trẻ trong nước. Theo đánh giá của các dịch giả tiếng Nga, đây là dòng văn học rất độc đáo, có nhiều điểm tương đồng về xã hội để bạn đọc trong nước có thể tiếp cận, thưởng thức.