Làm sao để văn học Nga trở lại với bạn đọc Việt Nam trở thành đề tài nóng những ngày kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Văn học Nga trong ký ức bạn đọc
Sáng 5-11, tại Đường sách TPHCM đã diễn ra cuộc tọa đàm có chủ đề “Dịch sách văn học Nga hôm qua và hôm nay”. Đây là một phần nội dung chương trình Những ngày sách Nga đang diễn ta tại đường sách nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Trước đó, tại Hà Nội cũng đã diễn ra cuộc tọa đàm có chủ đề “Văn học Nga - Văn học Việt Nam một thế kỷ - Triển vọng phát triển trong thời gian tới”.
Một trong những điểm quan trọng nhất mà những người đọc nhất là lứa tuổi lớn lên trong giai đoạn Liên bang Xô Viết còn tồn tại không thể quên được là ảnh hưởng của văn học Nga với sự hình thành quan niệm sống. Có người cho rằng văn học Nga đã cho họ lý tưởng cuộc sống. Có người thì khẳng định chính nhờ văn học Nga đã góp phần giúp họ định hình suy nghĩ của thời thiếu niên. Tựu trung lại, với tất cả bạn đọc thời đó, kỷ niệm với văn học Nga đều là những kỷ niệm đẹp nhất.
Không chỉ là niềm yêu thích, văn học Nga còn ảnh hưởng đến con đường tương lai của mỗi người. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, một trong những dịch giả nổi tiếng hiện nay kể rằng cuốn sách đầu tiên của văn học Nga thời Xô Viết ông được đọc là tác phẩm Thép đã tôi thế đấy vào năm 1975. Cũng chính tác phẩm này đưa ông đến với tình yêu văn học Nga và cũng chính từ tình yêu văn học này đã thúc đẩy ông chọn theo ngành Ngữ văn Nga và trở thành một dịch giả văn chương như hiện nay.
Còn dịch giả Phạm Ngọc Thạch thì lại nhớ như in cuốn sách văn học Nga đầu tiên được đọc từ thời bé là tác phẩm Anna Karenina của văn hào Nga Lev Nikolayevich Tolstoy khi đó được dịch theo kiểu phiên âm là An Na Kha Lệ Ninh. Có điều với một cậu bé chưa đến 10 tuổi thì tác phẩm này vượt ngoài tầm cảm nhận nhưng nó tạo cho cậu một sự quen biết với văn chương Nga để sau đó, khi đã lớn hơn cậu bé ngày nào bắt đầu quan tâm đến văn chương Nga mà tiêu biểu là thông qua những bản sách của các NXB Cầu Vồng, Tiến Bộ. Ông còn nhận thấy các họa sĩ đã vẽ riêng tranh minh họa riêng cho các bản tiếng Việt để phù hợp với bạn đọc, khác với các bản tiếng Nga. “Đó là một sự quan tâm, tôn trọng bạn đọc mà phải nhiều năm sau tôi mới hiểu hết được”, dịch giả Phạm Ngọc Thạch tâm sự.
Sự trở lại của văn học Nga
Với bạn đọc, nhiều người quen với văn học Nga qua giai đoạn Liên Xô hỗ trợ Việt Nam trong việc xuất bản sách từ những năm 60-80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, với các chuyên gia thì nền văn học này đã đến với bạn đọc Việt Nam từ trước đó. Dịch giả Phạm Ngọc Thạch có công bố bản dịch của tác phẩm Giữa chốn ba quân của thi hào Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin in tại Việt Nam năm 1951, tác phẩm này sau này được biết đến nhiều hơn với bản dịch nhan đề Người con gái viên đại úy và có thể xem đây là một trong những bản dịch văn học Nga sớm nhất có được. Tuy nhiên, về mặt thông tin, dịch giả cho biết, văn học Nga đã được ghi nhận có mặt tại Việt Nam từ những năm 1920.
Thế nhưng, cả hai dịch giả, những người đã sống và thưởng thức văn học Nga ở giai đoạn đỉnh cao ảnh hưởng ở Việt Nam đều cho rằng sự thành công của văn học Nga có yếu tố quan trọng từ vấn đề chính trị, chính sách chung của các nhà nước. “Họ đã giúp chúng ta in ấn với chất lượng tốt nhất, số lượng cao nhất có thể” và trong điều kiện đó, với các kiệt tác văn chương tầm cỡ nhân loại như thơ của Pushkin, Lermontov; tiểu thuyết của Lev Tolstoy, Dostoyevsky, Gogol, Turgenev… hay các tên tuổi mới hơn Maksim Gorky, Solokhov, Paustovsky, Esenin, Mayakovsky, Mikhail Bulgakov, Boris Pasternak… không có gì khó hiểu khi bạn đọc Việt Nam sớm bị cuốn hút, say sưa và mãi không thể quên những cảm xúc với các kiệt tác đó.
Và rồi khi Liên Xô tan rã, nguồn hỗ trợ không còn cùng lúc với việc đất nước ta mở cửa, nguồn sách văn học mới lạ, hấp dẫn riêng tràn vào, văn học Nga dần lui về phía sau. Vấn đề ở đây theo các dịch giả lỗi không phải là ở bản thân văn học Nga hay ở bạn đọc Việt Nam. Tác phẩm Nga vẫn còn đó sự vĩ đại, bạn đọc Việt Nam vẫn chưa bao giờ quên văn học Nga mà bằng chứng là sách Nga thời kỳ 70-80 vẫn bán rất chạy, thậm chí nhiều tác phẩm thiếu nhi được xếp loại “tái bản hàng năm”.