Tây Nguyên được xem là miền đất “màu mỡ” cho những cây bút viết về đề tài dân tộc thiểu số (DTTS). Nhưng suốt một thời gian dài mảng đề tài này hãy còn gượng gạo, e dè và cầm chừng. Những cây bút viết về đề tài DTTS ngày một ít dần theo thời gian cả về số lượng lẫn chất lượng.
Từ Hà Nội, nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã vào tham dự. Theo ông, văn học ở Tây Nguyên không chỉ dành cho những người DTTS viết, mà dành cho tất cả những người viết chung trên cả nước, có thể sống hoặc không sống ở vùng đất Tây Nguyên, nhưng nếu hiểu và có tình cảm về vùng đất này đều có thể viết.
Nhà văn Cao Duy Sơn có những chia sẻ hữu ích tại tọa đàm |
“Ngoại trừ những tác phẩm viết về kháng chiến cách mạng, còn hiện nay, Tây Nguyên đã có những tác phẩm đồ sộ chưa? Câu trả lời là chưa. Thời đại Tây Nguyên đổi mới, Tây Nguyên đang đi trên con đường mới để phát triển, để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cần phải có những tác phẩm tầm cỡ. Những tác phẩm ấy phải phản ánh được cuộc sống hiện thực hiện nay. Trong khi đó, Tây Nguyên ngày nay đã khác xưa lắm rồi”, nhà văn Cao Duy Sơn nhấn mạnh.
Ông Đặng Công Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực - Hội VHNT Gia Lai, cho rằng, văn học DTTS đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của mỗi con người, là một bộ phận tạo nên hương sắc và sự đa dạng phong phú cho nền văn học nước nhà. Tuy nhiên, những sáng tác về đề tài DTTS những năm gần đây dần “thưa” cả về số lượng lẫn chất lượng.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
“Văn học DTTS Tây Nguyên cần những cú hích mạnh mẽ, riết róng hơn nữa từ bản thân của người cầm bút. Và, muốn viết được phải có vốn sống và sự am hiểu về văn hóa truyền thống của tộc người. Viết là sự đòi hỏi, sự thôi thúc, sự trả nợ ân tình với vùng đất ta đang sống nhưng viết trong sự hời hợt, sự mù mờ về văn hóa truyền thống là một sự “nguy hiểm” đáng sợ”, ông Đặng Công Hưng cho biết.
Trong bức tranh chung của văn học trẻ khu vực Tây Nguyên có vẻ hơi trầm lắng thì Gia Lai lại là địa phương quy tụ lực lượng viết văn trẻ khá hùng hậu với những cái tên như Lê Vi Thủy, Lê Thị Kim Sơn, Đào An Duyên, Nguyễn Minh Tuấn, Tạ Ngọc Điệp, Trương Thị Chung, Lữ Hồng, Nguyễn Thị Diễm, Nguyễn Thanh Thúy… Tuy vậy, có một thực tế là đề tài DTTS gần như vắng bóng ở những tác giả này.
Nhà văn Thu Loan phát biểu tại tọa đàm |
Nhà văn trẻ Lê Thị Kim Sơn (sinh năm 1986) là cây bút nổi bật tại Gia Lai và khu vực Tây Nguyên hiện nay. Đến nay, chị đã có nhiều tác phẩm đăng trên các báo trung ương và địa phương, và là tác giả của các đầu sách: tập truyện ngắn Hẹn yêu và tạp bút Hoa nắng Tây Nguyên.
Theo Lê Thị Kim Sơn, người viết trẻ khi tiếp cận đề tài DTTS thường gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, tập tục, vốn sống, sự trải nghiệm và hiểu biết về mảnh đất Tây Nguyên.
“Sự thiếu hiểu biết đó khiến người trẻ ít dám viết về Tây Nguyên, hoặc nếu có viết sẽ không dám đi sâu, đi sát vào vấn đề mà chỉ nhắc qua một chút cái tên, hay cách dùng từ lơ lớ để trôi qua câu chuyện. Chính vì vậy, những tác phẩm của người viết trẻ về đề tài DTTS vẫn chưa có nhiều về số lượng cũng như chất lượng của tác phẩm”, Lê Thị Kim Sơn nhận định.
Các nhà văn nhà thơ và bạn đọc cùng chụp ảnh lưu niệm |
Đồng quan điểm, nhà thơ Lê Vi Thủy cũng cho rằng, mảng đề tài về người DTTS, về vùng đất Tây Nguyên còn bị bỏ trống. “Bản thân tôi là người đã có một số tác phẩm viết về mảng đề tài DTTS nhưng chưa thể đào sâu, cũng như truyền tải được hồn cốt của mảnh đất Tây Nguyên qua tác phẩm của mình. Không riêng gì bản thân tôi, các tác giả trẻ của Gia Lai cũng chưa có tác phẩm nào đi sâu vào các mảng đề tài này, đây là một điều đáng tiếc của các tác giả trẻ Gia Lai”, nhà thơ Lê Vi Thủy bày tỏ.
Tại tọa đàm, các nhà văn nhà thơ, văn nghệ sĩ đến từ hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum như nhà văn Thu Loan, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, nhà văn Hoàng Thanh Hương, nhà thơ Hoàng Việt, nhà văn Phạm Đức Long, nhà thơ Tạ Văn Sỹ, nhà văn trẻ Nguyễn Đức Hưng… đã cùng nhau trao đổi để tìm ra những giải pháp nhằm giúp văn học DTTS phát triển và tạo được dấu ấn riêng trong dòng chảy của văn học Việt Nam hiện nay.