Văn học - “binh chủng” đặc biệt trong chiến tranh
Phát biểu tại hội thảo khoa học Nhìn lại 50 năm văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa diễn ra tại Hà Nội, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ: “Từ hiện thực được chưng cất qua văn học, chúng ta có cơ hội thấy rõ hơn khát vọng thống nhất, hòa bình của nhân dân ta. Đó cũng là lý do mà đề tài về kháng chiến chống Mỹ vẫn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua nhiều cách đào sâu, phát hiện mới”.

Thượng tá, TS Phạm Duy Nghĩa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cũng nhấn mạnh tính tiên phong của văn học trong thời kỳ chiến tranh. Ông gọi văn học là một “binh chủng” đặc biệt, bởi hàng trăm nhà văn, nhà thơ đã xung phong ra trận, vừa cầm súng vừa cầm bút, cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng cho Tổ quốc.
Theo ông, những tác phẩm như Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu), Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm)… không chỉ góp phần khích lệ tinh thần chiến đấu mà còn lưu giữ những giá trị nhân văn sâu sắc, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ sau. Văn học khi ấy không chỉ phản ánh hiện thực mà còn góp phần kiến tạo khí phách dân tộc, dù vẫn chịu những giới hạn nhất định từ hoàn cảnh chiến tranh.
Ở một góc nhìn khác, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, thế giới biết đến cuộc chiến tranh của Việt Nam một phần là nhờ những tác phẩm văn học mang tầm vóc nhân loại. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng nhắc đến những tác phẩm đậm chất nhân văn và đầy suy tư như Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Mưa đỏ (Chu Lai), Chạm vào ký ức (Vũ Thị Hồng)… như những cột mốc quan trọng trong hành trình văn học chiến tranh cách mạng của Việt Nam.
Văn học xoa dịu vết thương...
Không chỉ dừng lại ở những thành tựu thời chiến, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu cũng đặt ra những câu hỏi về sự vận động và đổi mới của văn học trong thời bình. Thượng tá, TS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh vai trò của văn học trong việc hàn gắn vết thương dân tộc: “Người Việt chấp nhận hy sinh, đổ máu để giành độc lập và chính văn học giúp chúng ta nhìn lại hành trình đó để càng thấy rõ khát vọng hòa bình quan trọng đến mức nào”.
Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, thơ ca và văn học thời chiến để lại những bài học lớn, không chỉ về nghệ thuật mà còn về tinh thần dấn thân. Theo ông, đó vẫn là yêu cầu sống còn với người cầm bút hôm nay - phải biết dấn thân, vượt ra khỏi giới hạn cá nhân để viết những điều xứng đáng với thời đại.
Còn GS-TS Đinh Xuân Dũng thì cho rằng, văn học viết về chiến tranh trong thời điểm chiến tranh đang diễn ra đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Vì thế ở giai đoạn hai, tức sau năm 1975, đặc biệt là sau năm 1980, văn học trở về với quá khứ chiến tranh, tự đặt cho mình một nhiệm vụ: tiếp tục khám phá và cả khám phá lại để phát hiện những vấn đề còn ẩn sâu trong chính quá khứ chiến tranh đó.
Khi chiến tranh đã lùi xa, việc chỉ miêu tả lại các sự kiện, biến cố chiến tranh, hành động của con người theo dạng dựng lại hay minh họa lịch sử đều chưa thỏa mãn người viết và cả người tiếp nhận. Theo ông, văn học không chỉ tái dựng lịch sử mà còn phải khám phá những điều chưa biết - kể cả những nỗi đau chưa từng được kể.
Từ góc nhìn của người trực tiếp tham gia thực tiễn sáng tác, nhà văn Nguyễn Bình Phương khẳng định: “Thời chiến, những tác phẩm kịp thời ra đời để động viên, khích lệ, gia cố lòng quả cảm. Trong đời sống hòa bình, văn học vẫn tiếp tục khắc họa vẻ đẹp của con người Việt Nam, “khâu vá”, xoa dịu phần nào vết thương chiến tranh, đồng thời góp phần giáo dục giá trị truyền thống cho thế hệ tương lai”.
Nhiều ý kiến đồng thuận khi cho rằng văn học chiến tranh cách mạng không chỉ là tư liệu lịch sử sống động mà còn là tấm gương phản chiếu khát vọng hòa bình, thống nhất và tình yêu đất nước của người Việt.
Các nhà văn, nhà thơ cũng mở ra nhiều đề xuất cho sự phát triển của văn học trong bối cảnh mới, khơi dậy tinh thần dấn thân, sự tiếp nối của các cây bút trẻ. Họ đều tin rằng văn học sẽ tiếp tục là cầu nối giữa quá khứ và tương lai - nơi lịch sử không ngủ quên, và khát vọng tự do, hòa bình của dân tộc vẫn ngân vang trong từng trang viết.