Vụ xả súng đầu năm Quý Mão tại vũ trường Star Ballroom Dance Studio, bang California (Mỹ) làm 11 người chết và 9 người bị thương đã làm rúng động xã hội. Star Ballroom Dance Studio là một trong những trung tâm nổi tiếng nhất của cộng đồng khiêu vũ người Mỹ gốc Á ở Nam California. Theo tờ Los Angeles Times, chị Marisa Hamamoto, vũ công chuyên nghiệp ở Los Angeles, từng đến Star, cho biết: “Ở châu Á, khiêu vũ là một môn thể thao mang tính xã hội cực kỳ phổ biến”. Theo chị, khiêu vũ là hoạt động giúp người gốc châu Á có thể gặp gỡ, giao lưu giữa những người có cùng trải nghiệm, là nơi kết nối. Những người tìm đến vũ trường tại Nam California đa số là những người nhập cư từ lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam… đều ở độ tuổi 50, 60 hoặc 70. Vì vậy, vụ xả súng đã gây tổn thương cho nhiều người Mỹ gốc Á.
Khiêu vũ đã trở nên phổ biến với tầng lớp trung niên ở cả châu Á và Mỹ vào cuối thế kỷ 20, nhờ các cuộc thi khiêu vũ trên truyền hình và các bộ phim nổi tiếng. Bộ phim khiêu vũ của Mỹ năm 2004 Shall We Dance? với sự tham gia của Richard Gere, Jennifer Lopez và Susan Sarandon thực ra là phiên bản làm lại của bộ phim cùng tên năm 1996 của Nhật Bản và được đón nhận nồng nhiệt hơn. Bản gốc Shall We Dance? đã càn quét các giải thưởng điện ảnh hàng đầu ở Nhật Bản, nơi mà một số cuộc thi khiêu vũ vào thời điểm đó có thể thu hút tới 20.000 khán giả. Ngay cả trong các chương trình truyền hình Mỹ, Dancing With the Stars là chương trình chính của kênh truyền hình ABC trong 30 mùa trước khi chuyển sang Disney+ gần đây. Các cuộc thi khiêu vũ ở California có thể thu hút hàng trăm người tham dự thuộc mọi sắc tộc. Nhưng khiêu vũ đặc biệt thu hút những người nhập cư châu Á lớn tuổi ở Nam California.
Chị Carolina San Juan, Giám đốc tư vấn sau đại học cho chương trình Nâng cao học thuật tại Đại học Califorbia ở Los Angeles (UCLA), cho biết, rất nhiều cộng đồng người nhập cư như người Trung Quốc, người Việt Nam, người Philippines có vũ trường riêng. Chị Juan từng thực hiện luận án thạc sĩ về vũ công người Mỹ gốc Philippines. Theo tạp chí Nghiên cứu người Mỹ gốc Á, dù các phòng tập khiêu vũ khắp nơi ở Nam California, nhưng chỉ có một số ít dành riêng cho khiêu vũ kiểu quốc tế, còn lại dành cho người Mỹ gốc Á, trong đó phòng tập lớn nhất chính là Star Ballroom Dance Studio. Những người nhập cư châu Á lớn tuổi đến các vũ trường chủ yếu để tập khiêu vũ như một bộ môn thể dục, để giao lưu và vì đơn giản thích điệu nhảy. Các vũ công ở đây không phải các vũ công theo phong cách quốc tế.
Khiêu vũ cũng phổ biến ở các quốc gia châu Á khác, chẳng hạn như Philippines cũng như với cộng đồng người nhập cư Philippines ở Mỹ. Năm 2019, Walk Run Cha-Cha, bộ phim tài liệu dài 20 phút do Laura Nix đạo diễn, kể về câu chuyện của hai người Việt Nam lớn tuổi, Chipaul và Millie Cao càng cổ vũ phong trào khiêu vũ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Theo anh Minn Vo, 46 tuổi, người điều hành nhóm khiêu vũ nhạc jazz mang tên Hollywood Hotshots, các vũ trường khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, không phân biệt giàu nghèo, không có giai cấp ở đó.