Tôi có chị bạn công tác tại một sở của TPHCM vừa nghỉ hưu, sau những năm dài công tác qua nhiều vị trí. Những ngày chuẩn bị về hưu, nhiều đồng nghiệp, cấp dưới sụt sùi rơi nước mắt khi nghĩ đến chuyện chia tay chị. Hôm chị vào cơ quan nhận quyết định, tôi thật sự bất ngờ khi thấy phòng làm việc của chị đã trống trơn. Một chị công tác ở bộ phận hành chính của cơ quan chị nói nhỏ, từ 3 tháng trước khi nghỉ hưu, chị đã âm thầm thu xếp đồ đạc, những vật dụng cá nhân chị đưa về nhà từ từ; còn những hồ sơ, giấy tờ chị sắp xếp gọn gàng để sẵn sàng chuyển giao cho người kế nhiệm.
Tôi cũng biết một người làm lãnh đạo điều hành tại một doanh nghiệp nhà nước. Nhưng khác với cách hành xử trên, từ một năm, đặc biệt là những tháng gần về hưu, anh luôn cay cú với những người gần cấp với mình. Còn với nhân viên, trưởng các phòng, ban, đơn vị anh bắt đầu quan sát, để ý hơn về thái độ của người này, người nọ với mình như thế nào để trách móc để nói những lời “giá như...”, “sai lầm của tôi…”. Cả cơ quan nặng nề khi cấp lãnh đạo không nhìn mặt nhau, lính lác muốn làm gì, nói chuyện gì với ai cũng dò xem ý tứ của lãnh đạo mình… Ngày nhận quyết định về hưu, anh chẳng bàn giao công việc, mặc ai muốn làm gì thì làm.
Mới đây, tôi có dịp dự lễ trao quyết định về hưu của lãnh đạo TPHCM cho cùng lúc 6 - 7 cán bộ lãnh đạo cấp sở - ngành, quận - huyện, tổng công ty nhà nước. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi dự một buổi lễ mà lòng đầy tâm trạng. Một buổi gặp gỡ có hoa, có rượu vang, có tiếng vỗ tay, có những nụ cười và có những giọt nước mắt với những lời chân tình đến xúc động.
Sau khi nhận các quyết định nghỉ hưu, chị lãnh đạo một quận bộc bạch: “Dù biết rằng đến ngày này sẽ thôi nhiệm vụ nhưng sao vẫn mang cảm giác bất ngờ”. Một anh lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ: “Tôi vui vì đã tròn nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó để trở về với gia đình”. Một chị lãnh đạo công tác trong ngành giáo dục vui vẻ: “Kết thúc một công việc trồng người, chúng tôi đã sẵn sàng để trở thành những mầm non cho công việc ở địa bàn dân cư”…
Bất kỳ một ai khi xa một cái gì đó mà nó đã trở thành thân thiết, thành thói quen của mình thì dù người đó có mạnh mẽ đến thế nào cũng không tránh khỏi những hụt hẫng. Rời xa một vị trí, một công việc, một cơ quan, cùng với những quan hệ xã hội… có lẽ ai cũng không tránh khỏi cảm giác mất mát. Tuy nhiên, không ai có thể đi ngược lại quy luật. Vấn đề là ở mỗi người phải nhận thức và hành xử như thế nào để lòng mình nhẹ nhàng, để ứng xử có văn hóa.
VÂN ANH