Định hình các hệ giá trị văn hóa
Rõ ràng trong bối cảnh xã hội có nhiều sự phân tâm đến từ sự đa dạng, phong phú của các loại hình giải trí, trong cách sống, lối sống, đến từ một thế giới mới là internet và mạng xã hội thì việc định hình các hệ giá trị văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người sẽ tạo cho chúng ta nền tảng tốt hơn để xây dựng văn hóa, con người trong thời kỳ mới. Nếu như mỗi người có định hướng sống tốt thì sẽ hình thành được những công dân tốt cho xã hội.
Theo PGS-TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc truyền thông giáo dục về vai trò và ý nghĩa của hôn nhân, gia đình, con cái, cũng như cung cấp những kiến thức cần thiết về tình bạn, tình yêu, tình dục, Luật Hôn nhân gia đình cần đặc biệt chú ý để vừa phát huy sự tự do cá nhân, cởi mở trong quan niệm, vừa hạn chế được những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ có thể ảnh hưởng đến sự bền vững của thiết chế hôn nhân và gia đình.
PGS-TS Trần Thị Minh Thi nói: “Hệ giá trị gia đình sẽ giúp điều tiết, định hướng hành vi cho mỗi thành viên trong gia đình. Còn hệ giá trị văn hóa được sáng tạo và kết tinh trong quá trình phát triển của một nền văn hóa, nhằm thích ứng với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Thực hành hệ giá trị văn hóa giúp chúng ta hình thành nên sự tự tin văn hóa, hội nhập tốt hơn với thế giới. Hiện nay, dù chúng ta đã có nhiều thành tựu trong việc xây dựng con người, gia đình và văn hóa qua các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, cũng như rất nhiều các hoạt động khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy còn rất nhiều những bất ổn của cuộc sống đến từ hành vi của cá nhân, trong môi trường gia đình và văn hóa, vì vậy, tạo ra sự đồng thuận về các hệ giá trị trong 3 lĩnh vực này sẽ tạo điều kiện để chúng ta thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Còn theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới là xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam vừa tiếp thu được giá trị nhân văn, tiến bộ trong hội nhập, vừa giữ được bản sắc dân tộc và những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp.
Hãy gọi tôi là người Việt Nam
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi ý: Cần kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại như yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Còn theo GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm gồm: Dân chủ và pháp quyền, nhân ái và yêu nước, trung thực và bản lĩnh; trách nhiệm và hợp tác.
Rõ ràng, lòng yêu nước, tự lực - tự cường là một trong những niềm tự hào ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, từ lòng yêu nước mà mọi thế hệ sẵn sàng đứng lên vì hòa bình, thống nhất, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ… Còn lòng yêu nước trong đời sống hiện đại, đó là nuôi nấng khát vọng cống hiến trong mỗi thế hệ.
Trở về Việt Nam cùng dự án khôi phục giống bắp cổ bản địa của người Dao (ở Lào Cai) và làm nên thương hiệu rượu Sông Cái Distillery (được tạp chí Esquire, Mỹ vinh danh 27 thương hiệu rượu gin ngon nhất thế giới), anh Nguyễn Hoài Tiến (sáng lập Sông Cái Distillery) chia sẻ: “Tôi sinh ra, lớn lên và học tập ở nước ngoài, nhưng từ nhỏ, ba mẹ vẫn cho tôi học song song tiếng Việt để không quên tiếng nói của dân tộc và đất nước mình. Hãy gọi tôi là người Việt Nam. Khi trở về nước tìm hiểu nông nghiệp bản địa, tôi thấy chúng ta có quyền tự tin về chất lượng giống cây bản địa để tạo ra những sản phẩm tự hào Việt Nam vươn ra thế giới”.
Hay câu chuyện về chị Nguyễn Ngọc Huyền với “Bản đồ trái cây Việt Nam” phiên bản số hóa, góp phần vươn tầm nông sản Việt ra thị trường quốc tế. 63 tỉnh thành, mỗi một địa phương có đặc sản gì, chỉ dẫn địa lý ra sao, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu từ Bắc, Trung, Nam… đều được thể hiện chi tiết tại website: bandotraicayvietnam.com. Hai ví dụ trên cho thấy lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường luôn trong tim những người trẻ biết khát khao vươn lên và cống hiến.
Ở Đại hội XIII, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…”. Đây là một mục tiêu cao đẹp, bởi văn hóa vốn là những giá trị vật chất và tinh thần được con người tích lũy trong cuộc sống hàng ngày và trao truyền lại cho thế hệ sau.
Nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã xây dựng cho mình hệ giá trị quốc gia từ lâu. Đây là cốt lõi trong tiến trình phát triển quốc gia, hội nhập quốc tế để làm sức mạnh nội sinh và nhận diện tiếng nói dân tộc, quốc gia trên trường quốc tế. Sức sống của một dân tộc, sức mạnh của một quốc gia và sức bền của một nền văn hóa phụ thuộc vào các giá trị mà dân tộc đó theo đuổi… Chính vì thế mà hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là nền tảng quan trọng cần chú trọng và xây dựng trong quá trình xây dựng đất nước, tiến trình hội nhập quốc tế.
* GS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM - Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành VHNT-TDTT: Khuyến khích phát huy bản lĩnh cá nhân |