Đầu tư cho văn hóa để tăng sức đề kháng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo, nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay. “Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhìn nhận.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm… Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận, không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền” mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Do đó, đồng chí chỉ rõ, phải tăng cường sức “đề kháng” văn hóa để chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, đồi truỵ, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc…
Trong khi đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa; trao quyền tự chủ nhiều hơn đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa. “Đổi mới cơ chế hỗ trợ đầu tư, không cào bằng, có nhiều hình thức tôn vinh xứng đáng những người giỏi, khuyến khích mọi tài năng, thực sự coi trọng động lực sáng tạo văn hóa. Phấn đấu có nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, sức lay động lớn, cổ vũ sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, làm lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Đảng, của đất nước và con người Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ. Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; đồng thời, cùng với Chính phủ tiếp tục quan tâm, tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm...
Tháo gỡ điểm nghẽn
Tại hội thảo, các đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, người làm văn hóa đã nêu nhiều vướng mắc, điểm nghẽn cho sự phát triển văn hóa.
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, các quy định pháp luật về huy động nguồn lực cho thấy, văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích. Phát triển văn hóa gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản” từ nhận thức xã hội và các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động.
Nhà sản xuất, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, việc làm các sản phẩm văn hóa lớn, có chất lượng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như lễ hội âm nhạc Gió mùa, mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ TP Hà Nội và Bộ VH-TT-DL, nhưng vẫn gặp một số khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính. Nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ mong muốn có những chính sách và quy định về quản lý phù hợp, rõ ràng, tránh cảm tính và can thiệp về chuyên môn, sáng tạo. Định hướng phát triển bằng cách đầu tư đúng đắn vào những công trình nghệ thuật có tầm cỡ và năng lực giao lưu với thế giới, tránh đầu tư dàn trải, tạo môi trường mang lại hứng khởi cho sáng tạo, mở rộng thị trường và giao lưu với thế giới.
Liên quan tới việc hoàn thiện thể chế hóa trong lĩnh vực văn hóa, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, ngân sách nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa, cần huy động được nguồn lực của tư nhân vào lĩnh vực này. Đơn cử, Luật Đầu tư mới quy định ưu đãi cho bảo tồn văn hóa, nhưng chưa dành ưu đãi cho các ngành văn hóa khác. Vì vậy, sắp tới, cần có những điều chỉnh, sửa đổi để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này. “Vào thời điểm ban hành luật về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bộ đã thực hiện rà soát và chưa kiến nghị đưa lĩnh vực văn hóa vào; bởi khi đưa lĩnh vực văn hóa vào, chúng ta cần đảm bảo được lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời cũng phải đảm bảo không xung đột với các giá trị văn hóa truyền thống”, ông Trần Duy Đông nói rõ.
Trong khi đó, thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, việc ứng xử, quản lý nền tảng xuyên biên giới không còn quá khó khăn, vì các thể chế, chính sách và khung pháp lý đang dần được hoàn thiện. “Khó khăn ở chỗ chúng ta phải kéo được nhiều bộ ngành và xã hội cùng làm, có trách nhiệm nhận thức các nội dung xấu độc để ứng xử kịp thời. Chúng ta chủ động ngăn chặn từ gốc chứ không chờ “rác” được tung lên mạng rồi mới dọn dẹp”, ông Lâm nêu quan điểm và cho rằng “không bảo hộ ngược các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật của Việt Nam”.
Phát biểu chỉ đạo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử. Để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực quan trọng này, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa; phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có cái riêng, phải được lồng ghép trong thể chế, chính sách về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, với tư cách văn hóa là nền tảng, đồng thời là mục tiêu của các lĩnh vực này, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo con người có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển…
Khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa
Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Việc hoàn thiện thể chế văn hóa phải bảo đảm các yêu cầu tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn”.
Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, có 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, cần đảm bảo mức chi đầu tư cho văn hóa ít nhất đạt 1,8%/tổng chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả Trung ương và địa phương), quan trọng hơn là khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa.
Hội thảo cũng thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung làm ngay. Cụ thể như sớm xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; rà soát các nội dung về văn hóa trong 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; phát triển các sản phẩm văn hóa có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng; đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn...