Ứng dụng nhiều công nghệ mới
Dịch Covid-19 là một ngoại lực thúc đẩy quá trình số hóa trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nhanh hơn. Một số lĩnh vực tưởng chừng như chỉ có sự tồn tại, trưng bày vật lý mới phù hợp như điêu khắc hay bảo tàng, vài năm trở lại đây đã ứng dụng công nghệ để số hóa mạnh mẽ.
Không chỉ dừng ở việc quét mã QR để tra cứu thông tin hiện vật, một số bảo tàng đã số hóa cơ sở dữ liệu để thành lập “bảo tàng ảo”, hay ứng dụng công nghệ bảo tàng thông minh. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là bảo tàng đầu tiên tại TPHCM ứng dụng máy Hologram trong không gian trưng bày. Qua máy Hologram, kết hợp phần mềm tương tác 360o và công nghệ thực tế ảo (VR), khách tham quan có thể nhìn thấy hiện vật trên hình chiếu 3D lơ lửng trong không khí. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng vừa nghiên cứu và đưa ra ứng dụng iMuseum VFA - một ứng dụng đa phương tiện - trợ giúp người dùng tham quan bảo tàng từ xa hoặc trực tiếp.
Bà Cao Thái Hoàng Uyên (Quản lý dự án iMuseum của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: “Một số bảo tàng lớn trên thế giới đã có các ứng dụng đa phương tiện từ khá lâu, nhưng họ thuận lợi hơn chúng ta về điều kiện kinh phí. Nhóm dự án iMuseum VFA đã thử nghiệm tới hơn 160 phiên bản, rồi đúc kết, tích hợp mới ra được phiên bản phù hợp. Công nghệ đổi mới rất nhanh, đội ngũ kỹ sư phải cập nhật liên tục với tình hình thực tế của bảo tàng và mang lại trải nghiệm ngày càng phong phú cho người dùng. Ngoài ra, ứng dụng trợ giúp tới 8 ngôn ngữ, việc tìm kiếm các chuyên gia thông thạo ngoại ngữ chuyên ngành mỹ thuật để thực hiện công tác biên dịch, hiệu đính rất khó khăn”.
Một vấn đề nổi cộm trong công tác số hóa, đó là vấn đề bản quyền. Ngay cả việc Viện Phim Việt Nam cho ra mắt kênh YouTube và đăng tải 9 bộ phim vào trung tuần tháng 7 vừa qua, những tranh cãi liên quan đến việc đơn vị này có được phép phổ biến khi không xin phép hãng sản xuất và Cục Điện ảnh hay không, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. |
Yêu cầu cấp thiết
Ở lĩnh vực điện ảnh, số hóa là câu chuyện đã được bàn bạc rất nhiều, đặc biệt liên quan đến kho tư liệu đồ sộ hiện đang được bảo quản tại Viện Phim ở Hà Nội và TPHCM. Theo ông Nguyễn Xuân Dư, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, đơn vị này đang lưu trữ và bảo quản bộ sưu tập phim quốc gia với hơn 80.000 cuốn phim nhựa 16mm và 35mm, gần 20.000 tên phim, hàng chục ngàn phim video, phim kỹ thuật số và các loại tư liệu hình ảnh động định dạng kỹ thuật khác, trong đó có rất nhiều tác phẩm có giá trị của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Kết quả của số hóa không chỉ tạo thuận lợi trong phương thức bảo quản, lưu trữ giúp kéo dài tuổi thọ các tác phẩm điện ảnh. Quan trọng hơn, những thước phim giá trị và mang ý nghĩa lịch sử, xã hội ấy sẽ có đời sống, sức sống mới bền vững hơn. Nó cũng là tiền đề cho công tác quảng bá, đưa các tác phẩm kinh điển đến gần với khán giả, đặc biệt trong giai đoạn nở rộ các nền tảng trực tuyến như hiện nay.
Nhiều kết quả tích cực thấy rõ, đó là sau khi số hóa, nhiều phim kinh điển của điện ảnh Việt đã được quảng bá trong sự kiện “Tuần phim Việt trên VTV Go” vào cuối năm 2020. Cuối tháng 5-2021, Tuần phim hoạt hình Việt trên VTV Go cũng giới thiệu 50 bộ phim đặc sắc. Trước đó, kho phim hoạt hình với hàng trăm tác phẩm của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng được đăng tải trên kênh YouTube “Phim hoạt hình Việt Nam”, hiện đã thu hút hơn 560.000 lượt người đăng ký, hơn 160 triệu lượt xem. Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng có kênh YouTube với hàng chục phim tài liệu đặc sắc được đăng tải. Hai đơn vị này cũng có fanpage phục vụ cho công tác quảng bá. Gần đây nhất vào trung tuần tháng 7, Viện Phim Việt Nam cũng cho ra mắt kênh YouTube và đăng tải 9 bộ phim đầu tiên, thu hút hàng triệu lượt xem.
Trên thực tế, rất nhiều phim điện ảnh, hoạt hình, tài liệu, khoa học... sau khi số hóa đã được phát tán trên nhiều nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là YouTube mà không phải kênh nào cũng là chính chủ. Công tác số hóa vốn gặp nhiều khó khăn nhưng hậu số hóa, bảo vệ bản quyền càng đặt ra nhiều thách thức.