Trong suốt thế kỷ 20, Iraq được coi là trung tâm nghệ thuật của khu vực Arab. Điêu khắc và hội họa rất phát triển. Các lớp học nghệ thuật được miễn phí. Tầng lớp trung lưu cũng coi việc sưu tập nghệ thuật Iraq là thời trang. Khi quân đội Mỹ tiến vào Iraq năm 2003, môi trường nghệ thuật vững chắc của Baghdad bị sụp đổ. Các nhà sưu tập rời khỏi đất nước và các họa sĩ, nhà điêu khắc cũng đi theo họ.
Kể từ đó, cái tên Baghdad gắn với bạo lực và mâu thuẫn địa chính trị. Mãi cho đến gần đây, khi xung đột giảm dần, một đời sống văn hóa phong phú đang trở lại, gợi nhớ một thời hoàng kim. Nói về làn sóng hồi sinh văn hóa tại Iraq, Noor Alaa al-Din, Giám đốc không gian trưng bày nghệ thuật The Gallery, khẳng định, con người luôn cần nghệ thuật, luôn muốn phát triển bản năng yêu thích nghệ thuật như một cách để giải phóng tâm hồn khỏi thực tại. Người Iraq không ngoại lệ, họ cũng có quyền thưởng thức nghệ thuật.
Hành trình hồi sinh không gian văn hóa và nghệ thuật cho thủ đô Baghdad sau nhiều năm chiến tranh có sự đóng góp của các cá nhân, các viện nghiên cứu, các tổ chức nước ngoài và nỗ lực của Chính phủ Iraq. Hàng loạt phòng trưng bày nghệ thuật dần mở cửa, lễ hội ngày càng nhiều, thu hút những khách tham quan háo hức được bù đắp cho quãng thời gian mất mát trước đó.
Dù chỉ mới mở cửa hơn 1 tháng, The Gallery nhận được sự quan tâm lớn khi các buổi trưng bày tác phẩm hội họa mới đều thu hút lượng lớn người tham quan đến xếp hàng dài chờ đợi. Trong lúc đất nước chìm vào xung đột, các nghệ sĩ Iraq vẫn không ngừng sáng tạo. Đối với họ, vẽ là cơ hội để có thể bày tỏ tất cả cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ hội họa. Nhiều họa sĩ phải vẽ vào giữa khuya để không bị phân tâm bởi những tiếng còi báo động, tiếng đạn bom và những âm thanh khác của chiến tranh rền vang suốt ngày. Gần đây, họ mới có cơ hội đem những tác phẩm của mình giới thiệu trước công chúng.
Không chỉ những nghệ sĩ trong nước, nhiều nghệ sĩ gốc Iraq đã đem tác phẩm của mình về quê hương. Trong một buổi triển lãm gần đây, nghệ sĩ Riyadh Ghenea, người Canada gốc Iraq, đã mang về nước những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng với những gam màu tươi sáng.
Nhiều người Iraq tìm đến nghệ thuật để vượt qua những áp lực của cuộc sống hàng ngày. Gác lại những khó khăn và sợ hãi, hàng ngàn người dân Baghdad đã tìm đến hội chợ sách “I am an Iraqi, I read” ( tạm dịch: Tôi là một người Iraq, tôi đọc sách) được tổ chức dọc bờ sông Tigris. Tại đây, hơn 30.000 cuốn sách được phát miễn phí, từ tiểu thuyết cho đến sách nghiên cứu triết học và những cuốn sách tiếng nước ngoài.
Cũng tại Baghdad, liên hoan sân khấu quốc tế lần thứ 2 đã được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa Iraq. Liên hoan góp phần mang lại những trải nghiệm văn hóa mà từ rất lâu người dân nước này mới có được. Các nghệ sĩ đến từ Ai Cập, Tunisia, Italy đã mang đến những niềm vui cho nhiều khán giả, vốn từng rất sợ hãi khi ra đường. Họ thưởng thức từng vở diễn, hòa cùng cảm xúc với các nghệ sĩ, nồng nhiệt chào đón các nghệ sĩ trở lại Iraq một lần nữa để mang lại những tác phẩm hay hơn.