Văn hóa là tiềm lực, trụ cột để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

Ngày 14-4, diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Du lịch Văn hóa”.
Diễn đàn Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam
Diễn đàn Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam

Tại diễn đàn, Tổng cục trưởng TCDL (Bộ VH-TT-DL) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước và yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng nêu thông tin, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong số khách du lịch văn hóa nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56%, cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Do đó, để thu hút khách du lịch văn hóa, một số quốc gia đã đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp (show biểu diễn thực cảnh) kể một câu chuyện về lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương.

Ở nước ta, cũng đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền... Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”, “Áo dài”, “Tinh hoa Bắc bộ”, “Múa rối nước”, “À Ố Show”... Các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cũng liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Trong 3 năm liên tiếp, từ 2018-2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á” và là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn. Có thể thấy tất cả các giải thưởng này đều gắn với sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.

Nhằm tạo mối liên kết chặt hơn giữa du lịch và văn hóa, theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông, diễn đàn “Du lịch và điện ảnh Việt Nam”... dự kiến sẽ diễn ra tại Khánh Hòa vào cuối tháng 5-2023 để đề cập đến mối quan hệ giữa 2 lĩnh vực du lịch - điện ảnh, quảng bá trực tiếp các sản phẩm du lịch khách sạn gắn với điện ảnh; đưa điện ảnh ra nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước là xu hướng chung của tất cả các nước. Đây là một trong 12 chương trình trọng điểm của Bộ VH-TT-DL thực hiện trong năm 2023.

Tin cùng chuyên mục