Rộn ràng lễ hội tết
Trong suốt những ngày tết, người dân và du khách có thể đến thưởng thức các chương trình lễ hội tết của TPHCM với chuỗi hoạt động vui chơi, giải trí. Ngoài Đường hoa Nguyễn Huệ, Lễ hội Đường sách năm nay được tổ chức trên tuyến đường Lê Lợi (quận 1). Hội Hoa xuân TPHCM tại Công viên Tao Đàn, Công viên 23-9, Công viên Lê Văn Tám, Công viên Gia Định, khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường hoa Phú Mỹ Hưng… và các chợ hoa tết tại trung tâm thành phố và các quận, huyện.
Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 diễn ra đến hết mùng 5 Tết tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, hứa hẹn là một địa điểm thu hút rất đông người dân, đặc biệt là người trẻ, đến thưởng ngoạn, vui chơi giải trí, tạo nên không khí “quê nhà ngày tết” với bếp nhà, mảnh sân, cánh đồng mênh mang hương sắc tết. Khu vực Công trường Quốc tế - Hồ Con Rùa, người dân đến tham quan, vui chơi tết có thể đắm mình trong thế giới sách tại không gian sách mở. Năm nay, tại Đường sách TPHCM có hoạt động ý nghĩa là trưng bày và bán báo xuân gây quỹ thiện nguyện do Hội Nhà báo TPHCM và Đường sách TPHCM tổ chức. Quầy báo sẽ không có người bán, độc giả lựa chọn tờ báo xuân mình yêu thích và tự trả tiền vào thùng từ thiện với mức đồng giá 50.000 đồng/tờ.
Người dân và du khách cũng có thể chọn đến Công viên văn hóa Đầm Sen với các điểm nhấn như: Lễ hội ánh sáng Sắc màu cảm xúc trong nhà hát hình cầu, Lễ hội diều với 12 lá cờ diều biểu tượng 12 con giáp, đặc biệt có diều con mèo khổng lồ dài 8m lộng lẫy… Còn Khu du lịch Suối Tiên có các mô hình hoạt động tham quan giải trí được thiết kế theo xu hướng “du lịch xanh”, hứa hẹn hấp dẫn.
Nhiều lựa chọn cho truyền hình, trực tuyến
Đại nhạc hội Hoa xuân ca của Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt vào 20 giờ 10 ngày 20-1 (tức 29 Tết) trên 2 kênh VTV1 và VTV3, sẽ khai màn cho loạt chương trình đặc biệt đón Tết Quý Mão 2023 trên các kênh sóng. Chương trình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa đa dạng từ các vùng miền được hòa trong dòng chảy thời đại với những sáng tạo, tìm tòi mới trong nghệ thuật. Cùng với đó là sự xuất hiện ấn tượng của nhiều nghệ sĩ hàng đầu: Mỹ Tâm, Hà Trần, Đen Vâu, Tùng Dương, Uyên Linh…
Một trong những điểm hẹn được khán giả chờ đón trong đêm giao thừa là chương trình đặc biệt Tết nghĩa là hy vọng kéo dài từ 22 giờ 30 ngày 30 Tết đến 0 giờ 30 mùng 1 Tết trên kênh VTV. Qua đó, chương trình khơi dậy niềm tự hào, niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng, tốt đẹp của đất nước trong năm mới. Tết nghĩa là hy vọng kể câu chuyện về những con người bình dị khắp nơi đã và đang xây đắp những niềm hy vọng tương lai. Gala cười 2023 phát sóng vào 20 giờ ngày 23-1 (mùng 2 Tết) trên kênh VTV3 trở lại với format truyền thống gồm các tiểu phẩm hài do đông đảo các nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc thể hiện. Còn chương trình 12 Con giáp - phát sóng trên VTV3 ngày 24-1 (mùng 3 Tết) có chủ đề Hội làng mùa xuân.
Trên sóng THVL, “đặc sản” mỗi mùa Tết - Táo Xuân Quý Mão 2023 năm nay có chủ đề Phúc nhân gian - Xuân khải hoàn (20 giờ ngày 21-1, THVL1) có sự tham gia của dàn nghệ sĩ: Việt Hương, Đại Nghĩa, Hữu Châu, ca sĩ Cẩm Ly, Hoa hậu Tiểu Vy, Thiên Ân… Trên sóng Đài Truyền hình TPHCM, có một loạt chương trình ca múa nhạc đặc biệt phục vụ khán giả màn ảnh nhỏ: phim ca nhạc ngắn Lớn rồi còn khóc nhè, phim ca nhạc dài Khi lớn lên. Mùng 1-2-3 Tết, trên sóng HTV9 có chương trình Gala Nhạc Việt - Thập kỷ nhạc xuân (T-production sản xuất), có sự góp mặt của nhiều ca sĩ: Mỹ Linh, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, Nguyên Vũ, Ngô Kiến Huy, Quang Vinh, Lương Bích Hữu, Thanh Ngọc, Ngọc Mai...
Các chương trình giải trí trên nền tảng số cũng hứa hẹn mang đến bữa tiệc tết đa sắc. Trốn Tết Tết tìm hay loạt tiểu phẩm, phim ngắn hài dân gian đặc sắc… là những nội dung đặc sắc có trên FPT Play. Ở mảng web drama dù số lượng ít hơn so với các năm, song các phim đều được đầu tư chỉn chu, phải kể đến: Chuyện nhà Tí - Áo mới, Tết đến rồi về nhà thôi 6, Ủa Tết nè, Cậu út cậu con Cúc 2, Thánh bào ngày Tết 3, Về nhà là Tết, Chủ tịch giao hàng, Nhà trọ có quá trời phòng 3…
Táo quân vẫn đủ chất châm biếm và hài hước
Chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân năm thứ 20 được phát sóng vào 20 giờ đêm giao thừa trên các kênh sóng của VTV vẫn được đón đợi bởi sự hài hước mà châm biếm sâu cay. Táo quân 2023 tiếp tục quy tụ những gương mặt nghệ sĩ đã gắn bó gần 2 thập niên qua như Quốc Khánh, Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung…
Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2023 vẫn nhiều miếng hài châm biếm, đả kích |
Năm nay, Táo đã bỏ chầu mà thay vào đó là một cuộc thi mang tên “Táo bạo” với sự tranh tài của hơn 30 Táo từ rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Tất cả đều hy vọng giành được vương miện “Táo bạo” từ Ngọc Hoàng, vừa là sự ghi nhận của thiên đình, vừa có cơ hội được trao thêm quyền lực. Tuy nhiên cũng chính từ vòng thi, các Táo đã vô tình để lộ ra không ít mặt hạn chế, những vấn đề bất cập trong lĩnh vực mình quản lý…
Phim, sân khấu chờ đột phá
Sàn diễn cải lương tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang lần lượt diễn các vở Hoa Mộc Lan - Công ty Gia Bảo (mùng 4 Tết), Quan Hợi làng Te - Công ty Vũ Luân (mùng 5 Tết), Văn võ kỳ duyên - Sân khấu Chí Linh Vân Hà (mùng 7 Tết)… Các sân khấu kịch nói lên lịch diễn suốt 8 ngày tết, một vài sân khấu còn kéo dài suất diễn đến qua rằm tháng Giêng. Sân khấu kịch Idecaf phục vụ khán giả hai vở kịch hài Cưới vợ cho ai và Thuốc đắng dã tật. Điểm diễn mới Nhà hát Thanh niên tại NVH Thanh niên TPHCM phục vụ khán giả trẻ vở Em em chị chị và hài kịch Bất ngờ chưa bà già! Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ đáp ứng nhu cầu khán giả trẻ với các vở Thả thính mà hổng dính, Nghiệp quật, Họa hồn, Chuyện tình Bangkok, Hợp đồng yêu đương. Sân khấu múa rối nước Rồng Phương Nam luân phiên biểu diễn hai chương trình múa rối nước đặc biệt Hoa đất Việt và Tứ linh hội tụ. Tại rạp xiếc Công viên Gia Định, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam ra mắt vở xiếc mới Nàng Miêu du ngoạn trình diễn trên khấu nước lung linh, độc đáo, huyền ảo.
NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ: “Những ngày qua, khán giả tìm đến các sân khấu rất đông. Sự ra mắt của một số sân khấu mới cũng giúp đẩy mạnh tính cạnh tranh trong hoạt động và nâng chất các tác phẩm, vở diễn. Với tình hình hoạt động khả quan thời gian qua, hy vọng sân khấu tết sẽ đột phá”.
Hiện tại, theo lịch phát hành được cập nhật, có 4 phim ngoại sẽ ra mắt cùng thời điểm gồm: phim hành động của đạo diễn Guy Ritchie - Phi vụ toàn sao và 3 phim hoạt hình: Xác ướp: Cuộc phiêu lưu đến Luân Đôn, Pororo: Cuộc phiêu lưu đến dinh thự rồng, Mèo béo siêu đẳng. Sự cạnh tranh sẽ có, nhưng phim Việt có quyền tự tin.
Ở nhà đọc sách cũng là lựa chọn của nhiều người vào mỗi dịp tết. Hà thành hương xưa vị cũ (Tri Thức Trẻ Books và NXB Hà Nội) là bộ sách gồm 2 tập của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung, một phụ nữ Hà thành, mang đến ký ức về các món ăn cổ truyền, hay những món ăn xuất hiện trong mâm cỗ tết Hà Nội. Bước qua tuổi 100, nhà văn hóa Hữu Ngọc vẫn cho thấy tinh thần và sức làm việc đáng nể với ấn phẩm Ngẫm chuyện xưa nay (NXB Kim Đồng). Cuốn sách thứ 35 của ông khơi dậy trong lòng mỗi độc giả tình yêu, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm cá nhân để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt. Đây là hai trong số những cuốn sách mà bạn đọc nên dành để nghiền ngẫm mùa tết.
Lắng đọng hơn, người dân có thể tìm đến các bảo tàng tại TPHCM, mở cửa xuyên suốt trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM có triển lãm tranh dân gian tứ bình và trải nghiệm in tranh dân gian tại triển lãm hoạt động xuyên suốt dịp tết. Bảo tàng Áo dài với triển lãm áo dài chuyên đề Mai vàng cùng các hoạt động như: phiên chợ tết, ông đồ viết thư pháp, vẽ trang trí áo dài…