Nỗ lực trong khó khăn
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM vừa lên sàn diễn vở tuồng Vương Thúy Kiều của tác giả NSƯT Hữu Danh (phóng tác theo Truyện Kiều của Nguyễn Du và bổn tuồng Kim Vân Kiều của Ngụy Khắc Đảng, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu). Nhà hát cũng tái diễn chương trình quảng bá nghệ thuật hát bội phục vụ du lịch tại hai địa điểm: sân trước Đền Hùng - Thảo Cầm Viên Sài Gòn và Lăng Lê Văn Duyệt vào sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng vừa công diễn vở mới Công chúa tóc mây (tác giả Bạch Quốc Khanh, đạo diễn Hoàng Duẩn), tại rạp xiếc công viên Gia Định.
Các sân khấu kịch nói xã hội hóa cũng tất bật sáng đèn với nhiều suất diễn vào những ngày cuối tuần. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh trở lại tươi mới sau một thời gian tạm ngưng diễn, với vở mới Bàn tay của trời (tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như). Sân khấu kịch 5B với những vở Diều ơi, Bồ công anh, Tía ơi con lấy chồng… có suất vẫn phải tự bù lỗ vì vắng khán giả. Gồng mình vượt khó, 5B đang nỗ lực thực hiện vở Công lý như mặt trời (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực), một kịch bản dân gian mang tính hài kịch châm biếm, phê phán nạn tham nhũng.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng đang gấp rút chạy sân khấu, hoàn thiện vở cải lương Nguyễn Hữu Cảnh (tác giả Phạm Dũng, đạo diễn Nguyễn Minh Trường). NSƯT - đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cho biết: “Sau đợt dịch, nhà hát đẩy mạnh nhiều hoạt động tập luyện, biểu diễn, không chỉ cho khán giả mà còn cho chính nhu cầu được diễn của anh em trong nhà hát. Mới nhất, nhà hát vừa hoàn thiện và công bố MV Niềm tin, có sự tham gia của 58 nghệ sĩ sân khấu cải lương cả nước, ngợi ca và tri ân những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19”.
Tình hình doanh thu phòng vé Việt dù đã có những tín hiệu lạc quan nhất định nhưng lượng khán giả đến với các rạp chiếu vẫn tăng chậm. Do đó, doanh thu chưa thể bùng nổ như kỳ vọng. Theo đại diện một cụm rạp, hiện doanh thu thị trường chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Khó khăn lớn nhất đối với các cụm rạp hiện nay vẫn là làm sao có phim chất lượng để kích cầu khán giả ra rạp, bao gồm cả phim nội và phim ngoại. Tương tự, đối với phim Việt, hầu hết các nhà sản xuất đều chọn lùi thời điểm phát hành ít nhất sang tháng 12, mùa phim Tết và thậm chí sang năm 2021. Số ít phim đã xác định ra mắt trong thời gian gần có: Ròm (ngày 25-9), Thang máy (6-11)…
Thay đổi thói quen giải trí
Chuẩn bị cho sự khởi đầu mới sau dịch, Đường sách TPHCM đã có sự “lột xác” đáng kể khi thay mới toàn bộ trang thiết bị, bàn ghế phục vụ sự kiện, không gian đọc sách. Mục tiêu là tạo hình ảnh chuyên nghiệp cho các sự kiện ra mắt sách, thông qua các sản phẩm phù hợp, thiết kế riêng cho không gian của đường sách như: Ghế dành cho bạn đọc; bàn ghế dành cho diễn giả trung niên, cao tuổi; bàn ghế dành cho diễn giả trẻ.
Trong khó khăn, một tín hiệu đáng mừng đã nhen nhóm trở lại, đó là các đoàn phim đã quay trở lại với nhịp công việc bình thường. Ê kíp Gái già lắm chiêu V đang bận rộn trên phim trường tại Huế. Một số bộ phim: Kiều, Thiên thần hộ mệnh, Võ sinh đại chiến… cũng vừa hoàn thành khâu ghi hình và đang tiến hành giai đoạn hậu kỳ.
Một điều đáng ghi nhận là nhiều triển lãm, hội sách, liveshow âm nhạc - hòa nhạc... đều được tổ chức trực tuyến. Có thể nói, văn hóa giải trí trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu kể cả sau khi cuộc sống đang trở lại trạng thái bình thường sau dịch. Các nghệ sĩ tích cực trở lại với nhiều chương trình, dự án âm nhạc trực tuyến đầu tư, có chiến thuật hơn bởi thói quen của khán giả đã phần nào thay đổi. Sau loạt chương trình trực tuyến từ đợt giãn cách trước, các nghệ sĩ trở lại với hàng loạt chương trình trực tuyến như Love songs của Hồ Ngọc Hà, Chi Pu The Greatest show của Chi Pu, Phòng trà Online của một nhóm nhạc sĩ… Ngoài các chương trình miễn phí, đã có nhiều chương trình khán giả chấp nhận trả phí để xem.
Theo xu hướng chung của thế giới, thị trường giải trí Việt đã có những thay đổi đáng kể. Trước đây, rất ít khán giả chịu khó bỏ tiền xem nghe các chương trình biểu diễn trực tuyến, mua nhạc số, nhưng với sự phát triển công nghệ hiện nay, người xem dần bắt đầu quen trả tiền khi sử dụng các sản phẩm giải trí qua Apple Music, iTunes, Spotify, Amazon Music, Pandora, Google Play, Netflix, Danet, Galaxy Play… Đặc biệt, với sự xuất hiện các trang nhạc số có bản quyền và các nhạc sĩ, ca sĩ đưa nhạc lên các nền tảng trả phí thì công chúng thay đổi suy nghĩ lẫn thói quen. Chưa kể, với hình thức Fanship - Fanclub online toàn cầu có trả phí, tận dụng từ các nền tảng cùng cách tổ chức mới mẻ xuất hiện, nhiều nghệ sĩ dễ quản lý những hoạt động với người hâm mộ. Vũ Cát Tường, Uni5, Gil Lê, K-ICM, Jsol… là những nghệ sĩ tiên phong hình thức mở Fanclub online trả phí.
Ngoài chuỗi show ca nhạc giao lưu trực tuyến đặc biệt, Hồ Ngọc Hà còn có chuỗi ca khúc quay hình trong phòng thu, phim tư liệu hành trình thực hiện; Vũ Cát Tường có Trạm không gian số 0; Uni5 có Vlog tuổi thơ; Binz mở bán hàng loạt áo phông, giày và nón phiên bản giới hạn, phát hành Air Force 1 Bigcityboi lấy cảm hứng từ sản phẩm âm nhạc Bigcityboi… Vũ Cát Tường, Uni5, K-ICM cũng tiên phong ra mắt sticker online, gậy cổ vũ ảo. Các hiệu ứng này độc quyền trên nền tảng Vlive, là quà tặng cho người hâm mộ khi đăng ký Fanship…
Giải trí trực tuyến là xu hướng tất yếu, dù chưa thể mang lại cảm xúc đặc biệt như trực tiếp. Tuy nhiên, đây cũng là cánh cửa, cơ hội để thị trường giải trí Việt bước qua thách thức, phát triển mạnh mẽ hơn.