Cổ phục đâu chỉ là tấm áo
Trong xu thế toàn cầu hóa, nền văn hóa hòa nhập nhưng không hòa tan được nhiều quốc gia chú trọng, trong đó có Việt Nam. Vấn đề đặt ra, làm sao giữ được bản sắc trước các làn sóng văn hóa mạnh mẽ từ nước ngoài. Giới trẻ gần đây chủ động tham gia các thảo luận về văn hóa, xây dựng các hội nhóm chia sẻ kiến thức văn hóa, lịch sử trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Một trong những hướng xử lý phổ biến nhất là “phục cổ” (mang nghĩa khôi phục và cố gắng tái tạo lại các cổ vật, lễ nghi và tập quán cổ - PV).
Chỉ riêng từ khóa “cổ phục Việt Nam” trên mạng xã hội có vài trăm nhóm, từ chia sẻ kiến thức, phục dựng, phỏng dựng, đến cho thuê và mua bán trang phục. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng không ít lo âu. Vì nếu chỉ tập trung vào nếp xưa thôi, sẽ dễ bỏ qua tính chất liên tục và đa dạng của văn hóa.
Đất nước đi qua nhiều giai đoạn lịch sử và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nền văn hóa bị đứt gãy là điều không thể tránh khỏi. Những hiện vật, tư liệu và sự thất truyền của một số kỹ nghệ dệt - may cổ xưa đã không thể tìm được bản gốc, vì thế, phần nhiều dự án cổ phục của các bạn trẻ hiện nay, thực chất chỉ là phỏng dựng. Và sau những hình ảnh chia sẻ lên mạng xã hội, hay các buổi nói chuyện về cổ phục, người trẻ trong các hội nhóm này vẫn loay hoay không biết diện áo ngũ thân, áo Giao Lĩnh, Viên Lĩnh… vào lúc nào, ở đâu cho phù hợp.
Trong khuôn khổ các sự kiện của Liên hoan Sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021, diễn giả Trương Trần Trung Hiếu (người sáng lập dự án Gấu thiên thể - dự án chia sẻ góc nhìn thế hệ trẻ về nghệ thuật đương đại và truyền thống) phân tích: “Cổ phục biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh trong đời sống và là một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại. Nếu quá nóng vội dễ rơi vào tình trạng phục cổ ở bề ngoài mà không xử lý được những vấn đề chiều sâu”.
“Có những vấn đề cần đào sâu hơn để thực sự trân trọng văn hóa truyền thống, ví dụ đặt ra các câu hỏi như: Tại sao cổ nhân lại ăn mặc món đồ này vào mùa đông, không phải mùa hè? Tại sao trong nghi lễ A lại mặc thể thức quần áo B mà không phải kiểu khác? Tôi nghĩ, đã đến lúc những bạn trẻ yêu mến cổ phục nên nghĩ thêm về các lựa chọn chiều sâu tinh thần, về tái dựng văn hóa để lễ phục cổ của người Việt có thể được “phục cổ” một cách toàn vẹn. Cổ phục rất đẹp, nhưng sẽ đẹp trọn vẹn hơn khi chúng được tái dựng, được “sống” trong đúng môi trường vốn dĩ của chúng, như vậy chúng ta mới có thể cảm nhận được đầy đủ tinh thần truyền thống”, diễn giả Trương Trần Trung Hiếu phân tích thêm.
Hài hòa truyền thống và đương đại
Không gian đa chiều và kết nối không biên giới của mạng xã hội đã góp phần lan tỏa nhiều dự án quảng bá văn hóa Việt có hiệu quả như: Đại Việt Cổ Phong (hơn 146.800 thành viên), Tầm Chương Trích Cú (57.000 lượt theo dõi), Tản Mạn Kiến Trúc (hơn 36.600 lượt theo dõi)… Những hội nhóm này, đa phần được lập ra và quản lý bởi người trẻ, chủ yếu nghiên cứu và tổng hợp dữ liệu lịch sử để kể chuyện, lan tỏa văn hóa truyền thống.
Và nỗ lực đó còn bắt nguồn từ thực tiễn. Những dự án tốt nghiệp gần đây của các bạn trẻ chú trọng khai thác yếu tố văn hóa truyền thống và dân gian như: Má ơi đừng đánh con đau… của Phạm Rồng và Bội tự của Nguyễn Phương Vy đều là sinh viên năm cuối Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, khai thác đề tài hát bội trong các dự án vẽ minh họa. Hay Đồng bào Việt phục được nhóm sinh viên thuộc Đại học FPT Cần Thơ kết hợp cùng công nghệ thực tăng cường - AR, kể chuyện trang phục 54 dân tộc cùng nếp sinh hoạt đặc trưng của đồng bào.
Nổi bật với dự án Nguyễn triều nữ y (vẽ minh họa trang phục nữ thời Nguyễn) từ khi còn là sinh viên, kế tiếp là minh họa các nhân vật trong truyện cổ tích thế giới với trang phục truyền thống Việt Nam qua các triều đại, họa sĩ Nguyễn Quốc Trí (Kris Nguyễn) chia sẻ: “Làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, chuyện đổi mới là đương nhiên và không phải lúc nào tôi cũng làm cổ phục, cái chính là tôi muốn chú trọng đưa yếu tố văn hóa Việt Nam vào tác phẩm của mình. Bởi đây là đam mê và định hướng lâu dài của tôi, tôi chọn đi từ trang phục để kể nên câu chuyện của một thời kỳ vàng son”.
Mạng xã hội mang lại hiệu quả trong việc lan tỏa cho các hội nhóm cổ phong, lịch sử hay dự án tốt nghiệp lấy cảm hứng văn hóa truyền thống của các bạn trẻ. Và trong không gian kết nối mở này, dự án văn hóa truyền thống được kết hợp cùng nhiều hình thức mới. Tuy nhiên, bài toán hài hòa văn hóa truyền thống và đương đại vẫn còn là một câu hỏi khó với người trẻ theo đuổi văn hóa truyền thống.
“Tôi nghĩ, phá cách mà chưa hiểu rõ tính chất của yếu tố văn hóa thì dễ dẫn đến tạo ra những tác phẩm chắp vá, gồng gánh và thiếu chiều sâu. Phá cách cần phải xuất phát từ sự tự tin và nắm bắt đầy đủ đặc tính văn hóa, hiểu rõ những hiệu quả của việc phá cách, cái gì là cốt lõi và cái gì có thể biến đổi. Như vậy thì quá trình sáng tạo có sự nghiêm túc và cẩn trọng”, diễn giả Trương Trần Trọng Hiếu chia sẻ thêm.
Dẫn dắt chuỗi podcast Người trẻ và di sản, anh Danh Trần (Hội Di sản văn hóa TPHCM, tác giả sách Paris những mùa yêu) chia sẻ: “Có một lần tôi nghe được một bài nhạc thuộc thể loại EDM (electronic dance music), được một chàng trai kéo bằng đàn nhị. Tôi bị thu hút mãnh liệt, và từ đó bắt đầu tìm hiểu về cây đàn truyền thống độc đáo này. Với một số nhà nghiên cứu văn hóa, điều này sẽ bị phản bác ngay, nhưng tôi nghĩ nó lại là cách tiếp cận rất dễ dàng với giới trẻ. Từ thích thú, sẽ có một bộ phận đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu và dẫn dắt họ đến cốt lõi, nguyên bản. Đương nhiên cũng có một bộ phận khác chỉ dừng lại ở việc thưởng thức hoặc tìm hiểu ở mức giới hạn, điều này cũng không vấn đề gì, ít nhất chúng ta vẫn thấy dòng chảy văn hóa vẫn tiếp diễn, vẫn hiển hiện. Dù còn có nhiều tranh cãi trong hướng đi của việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tôi nghĩ vẫn phải cần tính thức thời, cần sự hòa quyện với nhịp sống hiện đại và đó phải chăng là cách phát huy tự nhiên nhất. Hãy cứ để người trẻ chơi đàn nhị trên nền nhạc EDM nếu họ thích, họ thấy phù hợp, chẳng sao cả… Vì họ chính là những người đương thời”.
Để các yếu tố văn hóa có sức sống, cần quan tâm đến các chủ thể thực hành và đối tượng thụ hưởng của các yếu tố này, và chỉ khi văn hóa truyền thống song hành cùng văn hóa đương đại thì chúng mới thực sự được tiếp nối. Giới trẻ chính là thế hệ thụ hưởng và kiến tạo trực tiếp, do vậy điều quan trọng là ý thức đầy đủ vai trò của việc nghiên cứu và đối thoại để liên tục làm mới tư duy của mình về văn hóa. Một cá nhân, tổ chức hay thậm chí là một thế hệ thì không đủ để xử lý những vấn đề lớn, nhưng khi có sự hợp tác thì có thể tạo ra những biến đổi tích cực.
Dương Bảo Khánh (tu nghiệp thạc sĩ tại Đại học Nghệ thuật Tổng hợp Quốc gia Hàn Quốc trong chương trình học bổng trọn gói từ Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc tài trợ) bày tỏ: “Nói đến quảng bá nhạc cụ truyền thống thì cố GS Trần Văn Khê đã làm rất tuyệt vời. Hiện nay cũng đã có những nhóm nhạc dân tộc Việt Nam hoạt động ở một số nước lớn trên thế giới. Tư duy tự hào dân tộc và mong muốn quảng bá đã hình thành và kéo dài từ rất lâu rồi. Đến thời điểm hiện tại, ở một thế giới với công nghệ 4.0, tôi nghĩ vấn đề cấp thiết là cải tiến và phát triển. Đúng là chúng ta phải tiếp tục quảng bá những điều mà GS Trần Văn Khê đã từng quảng bá từ nhiều năm trước cho những người chưa tiếp cận; vậy với những người đã biết rồi nhưng không thích thì sao? Để đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày một cao của khán giả, âm nhạc phải phong phú hơn. Để chơi được phong phú hơn, tính năng của nhạc cụ cũng phải được nâng cấp hơn - nên việc nâng cấp công cụ lao động luôn là cần thiết”. |