Trước đó, một nhóm sinh viên đại học ở Hà Nội làm tranh cổ động hưởng ứng ngày đại lễ của đất nước, nhưng nhầm lẫn khi đưa vào bức tranh hình ảnh phương tiện của quân đội nước ngoài. Ngay sau đó, nhóm bạn trẻ đã gỡ hình ảnh và đưa ra thư xin lỗi vì sai sót đáng tiếc.
Vụ việc của nam ca sĩ, đúng - sai đang chờ cơ quan chức năng xem xét, nếu cái sai đến từ việc ca sĩ này cố ý, thì có lẽ không còn gì để ủng hộ cho hành trình nghệ thuật đó, dẫu có là ngôi sao âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… hàng đầu. Nhưng cũng không ngoại trừ trường hợp sai vì thiếu hiểu biết. Bởi vốn dĩ, có một số người cứ quen xem văn hóa là phạm trù rộng, khái niệm lớn mà đôi khi lại quên mất chính những chi tiết nhỏ cũng là thành tố quan trọng của văn hóa.
Và trong sự phát triển của công nghệ, việc dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để hỗ trợ công việc sáng tạo, lên ý tưởng đang ngày càng trở nên phổ biến. Các phần mềm AI giúp tạo ra sản phẩm sáng tạo như tranh vẽ, phối cảnh sân khấu/nhà/quảng trường… Công nghệ AI phân tích yêu cầu người dùng đưa ra và tổng hợp trên toàn bộ dữ liệu mà nó biết, để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Chính việc tổng hợp dữ liệu siêu bao quát này, nên bức tranh tổng thể là muôn ngàn chi tiết được lắp ghép và đôi khi nó bao gồm cả những chi tiết mang yếu tố không phù hợp…, nếu không đủ tinh ý và kiến thức, thì người dùng sẽ khó nhìn ra điều chưa ổn.
Trong môi trường giao lưu quốc tế ngày càng sâu rộng, tiếp biến văn hóa là điều không thể tránh khỏi, chính vì thế, sự nhạy cảm văn hóa cần nâng cao hơn bao giờ hết. Sử dụng công nghệ để hỗ trợ sáng tạo, hay dùng chất liệu văn hóa dân tộc để xây dựng hành trình nghệ thuật, trước hết cần sự am hiểu bài bản và chi tiết. Vì chỉ có biết và hiểu thì người ta mới tránh được những lỗi lầm mà đáng lẽ không được phép sai.