Thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ, Phó Viện trưởng Viện Sân khấu - Điện ảnh, cho rằng, việc thành công của những bộ phim thuộc nhiều thể loại, từ tâm lý, gia đình, kinh dị… có nội dung gắn với văn hóa dân gian chứng tỏ sự quan tâm của khán giả đối với những giá trị mang tính truyền thống, dân tộc. Tuy nhiên, việc khai thác dạng đề tài này cũng đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng để không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn góp phần giáo dục, truyền bá những giá trị tinh thần của dân tộc một cách lâu dài.
Việt Nam có một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, nhiều thể loại từ xưa đến nay. Đưa câu chuyện dân gian vào điện ảnh mang lại sức hút lớn vì chứa đựng yếu tố văn hóa gần gũi và được nhiều thế hệ công chúng biết tới. Đó cũng là điều tạo nên nét độc đáo của phim Việt hiện nay, tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ với phim nước ngoài. Và thực tế cũng đã chứng minh khi rất nhiều lần phim Việt đánh bại phim nước ngoài tại phòng vé, mà cụ thể nhất là những ngày qua, Cô dâu hào môn đã vượt qua những tác phẩm đến từ Mỹ, Thái Lan… để chiếm ngôi đầu phòng vé.
Vấn đề hiện nay là để sự phát triển của điện ảnh trong nước đi đúng hướng, không lệch lạc, rơi vào tình trạng lạm dụng, hay khai thác sai lệch các giá trị văn hóa, rất cần có sự hỗ trợ về pháp luật, sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng liên quan trong việc ban hành các văn bản dưới luật như các nghị định, thông tư, cũng như ở một số vấn đề lớn có liên quan. Chẳng hạn như sự tham gia của các chuyên gia tâm lý vào các hội đồng phân loại phim để đánh giá mức độ ảnh hưởng tác động đến tâm lý như kinh dị, bạo lực…; các chuyên gia văn hóa để đảm bảo tính chính xác về văn hóa.