Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên sinh ra ở vùng đất Quảng Nam. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống Chăm và Raglai. Về văn hóa Chăm, ông đã sưu tầm, phục dựng hầu hết các lễ hội Chăm; tất cả các bài bản của lễ nhạc (75 bài trống Ginăng và 6 giai điệu kèn Saranai) đã được sưu tầm và ký âm. Ông đã kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc đưa văn hóa dân gian Chăm lên một tầm vóc mới: sang trọng hơn, tinh luyện hơn.
Về văn hóa Raglai, bằng những cứ liệu thuyết phục, ông đã chứng minh, người Raglai có sử thi và đã được công nhận. Sáu bộ sử thi đồ sộ, nhất là bộ sử thi Sa-Ea có độ dài 37 cuộn băng cassette, mỗi cuộn 90 phút là một minh chứng rõ ràng. Với nhạc cụ Mã la, ông cũng đã ghi âm và ký âm được 150 bài, khôi phục lại những nhạc cụ đã mất như trống đất, chiềng nứa, kèn bầu Sarakel. Trong nhiều năm tìm tòi, ông đã phát hiện, phục dựng trang phục cổ truyền người Raglai bị mai một. Toàn bộ công trình sưu tầm, nghiên cứu của ông Nguyễn Hải Liên trong hơn 30 năm về văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai đều được hiến tặng cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Xúc động trước tình cảm và niềm đam mê của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên đối với những giá trị quý báu của di sản văn hóa dân tộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, văn hóa không phải là thứ được sản xuất trong một ngày, nó được kết tụ và bồi lắng như thạch nhũ, hạt ngọc trai, trải qua suốt chiều dài lịch sử của cả dân tộc. Sự ra đời và định hình của văn hóa dân gian ở những giai đoạn sớm nhất của lịch sử dân tộc đã hình thành quan điểm cho rằng văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, là cội nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức của văn hóa dân tộc. Văn hóa dân gian còn là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao. Sự đa dạng, phong phú, đặc sắc về văn hóa không chỉ là lợi thế cho ngành du lịch mà còn là đòn bẩy quan trọng cho đoàn kết, kết nối và thu hút nguồn lực của đất nước ta.
“Khi mỗi dân tộc càng đạt tới tầm cao trong nền văn minh phổ quát của nhân loại, họ càng tự hào dân tộc mình đã đóng góp được gì về mặt văn hóa cho kho tàng văn hóa nhân loại”, Thủ tướng khẳng định và cho biết bạn bè quốc tế đánh giá cao văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của Việt Nam. Chúng ta có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng những giá trị biểu trưng cho tâm hồn, trí tuệ và bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Biểu dương và đánh giá cao những tâm huyết, đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên cho sự nghiệp làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong thời đại ngày nay, đáng sợ hơn cả mọi sự xâm lăng, là xâm lăng văn hóa, là mất gốc”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT-DL triển khai một số nội dung cụ thể như: nghiên cứu, bảo tồn gìn giữ chữ viết của đồng bào; lựa chọn được những giá trị văn hóa nền tảng chung của các dân tộc anh em để phát huy… Cùng đó cần kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian thông qua các lễ hội truyền thống, các hoạt động du lịch cộng đồng. Theo Thủ tướng, chúng ta cần tìm ra và phát huy những giá trị kinh tế và giá trị văn hóa trong văn hóa dân gian. Phải biến văn hóa trở thành di sản và tạo sinh kế cho người dân.
Thủ tướng cũng đề nghị cần ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với các cá nhân, tổ chức tài trợ, tham gia vào công tác bảo tồn di sản văn hóa dân gian nói riêng, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Tìm cách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào văn hóa để khai thác, phát huy những tiềm năng và sức mạnh của văn hóa. Đặc biệt, phải có cách thu hút sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp trong việc khôi phục nhiều làng nghề thủ công truyền thống đang dần mai một và có nguy cơ biến mất; hồi sinh những bản làng đặc sắc về văn hóa, kiến trúc và sinh thái, những lễ hội và ẩm thực dân gian, trò chơi dân gian các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ xưa… Rà soát các khung pháp lý, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên quan để xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa có bản sắc, có tính cạnh tranh cao, có khả năng thúc đẩy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc ta.
Thủ tướng nêu rõ: “Nói theo ngôn ngữ của thời đại số ngày nay, văn hóa dân gian là mã định danh để mỗi dân tộc hội nhập với thế giới mà vẫn định dạng được mình. Nói dân dã, dễ hiểu hơn, đó là phong tục, tập quán, tri thức dân gian, là bản sắc và hồn cốt của dân tộc”.