Văn hóa dân gian - chuyển mình trong nhịp sống mới

Trong đời sống đương đại, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa dân gian ngày càng có những chuyển biến tích cực. Cơ hội song hành thách thức, đặc biệt trong xu hướng hội nhập, số hóa, nhưng điều quan trọng hơn, nhận thức và ý thức từ chính người trong cuộc và công chúng đang thay đổi. 
Dự án Hát bội 101 vừa hoàn thành lưu trữ các kiểu nhân vật điển hình lên nền tảng số
Dự án Hát bội 101 vừa hoàn thành lưu trữ các kiểu nhân vật điển hình lên nền tảng số

Khoác áo mới

Sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với nghề nặn tò he truyền thống ở Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu có gần 20 năm kinh nghiệm.

Anh kể, năm 2017, anh đã kết hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách khôi phục được nhiều mẫu con giống bột cổ xưa tưởng chừng thất truyền. Anh cùng họa sĩ vẽ minh họa Cẩm Anh còn “khoác áo mới” cho các nhân vật trong các câu chuyện cổ nổi tiếng. Nhiều bộ tò he: Tứ phủ ông hoàng, Tích trung thu, Lục súc tranh công... ra đời từ đó.

Anh chia sẻ: “Trong quá trình làm nghề, tôi xác định giữ gìn những giá trị tốt đẹp cha ông để lại. Một mặt khôi phục các sản phẩm đã thất truyền, đồng thời nâng cao chất lượng, tạo nên những sản phẩm bền hơn, mẫu mã đẹp hơn. Mặt khác phải nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm mới. Tôi cũng tích cực tham gia nhiều lễ hội văn hóa, du lịch để trình diễn, giới thiệu và mang đến trải nghiệm gần gũi, nhất là cho học sinh”. 

Từ ngày 25-9 đến 31-12-2021, YUME đồng hành cùng British Council (Hội đồng Anh) tổ chức dự án “Cùng cộng đồng kể chuyện cải lương”. Hai hoạt động của dự án gồm: “Cộng đồng kể chuyện cải lương” - kêu gọi khán giả đóng góp câu chuyện, chia sẻ ký ức về cải lương, những bài học và giá trị nhận được từ các tác phẩm đặc sắc; “YUME kể chuyện cải lương” - gặp gỡ, trò chuyện cùng các nghệ sĩ trình diễn, đạo diễn, nhà nghiên cứu... cải lương gạo cội. 

Hai câu chuyện này là minh chứng cho thấy văn hóa dân gian đang được gìn giữ, phát triển và bồi đắp những giá trị mới. Theo TS Trần Thanh Việt (Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội): “Văn hóa dân gian đã và đang hiện hữu trong nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa đương đại. Rất nhiều sản phẩm đã khai thác truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện cười..., đóng góp đáng kể vào phát triển công nghiệp văn hóa, mang lại giá trị thương mại cho người sản xuất, sáng tạo”. 

Dẫn chứng cho nhận định trên, TS Trần Thanh Việt lấy ví dụ vở diễn Tứ phủ, tái hiện nghi lễ hầu đồng trong văn hóa dân gian Việt Nam thông qua hình thức sân khấu hóa, đã gây tiếng vang khi ra mắt. Ở lĩnh vực du lịch, dự án Về làng đưa du khách trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hóa dân gian nghề thủ công truyền thống ở các làng nghề.

Nhiều dự án phim khai thác, lấy chất liệu từ văn hóa dân gian: Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Trạng Quỳnh, Trạng Tí phiêu lưu ký, Đoạn trường vinh hoa... Ở nhiều lĩnh vực khác như: điêu khắc, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, thời trang…, dấu ấn văn hóa dân gian cũng ngày càng đậm nét. “Yếu tố văn hóa truyền thống đã gợi mở, tạo ra muôn vàn ý tưởng để phối kết hợp các loại hình với nhau, sáng tạo bức tranh văn hóa truyền thống trong văn hóa đương đại, tạo thành sản phẩm có doanh thu”, TS Trần Thanh Việt nhấn mạnh. 

Trong khi đó, ở lĩnh vực âm nhạc, có rất nhiều sáng tác nổi tiếng mang âm hưởng dân gian của nhạc sĩ Phó Đức Phương, An Thuyên… GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, khẳng định: “Ai biết khai thác giá trị văn hóa dân gian vào văn hóa hiện đại sẽ trường tồn, thành công và tạo nên nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Trên thực tế, nhiều người đã và đang thực hành điều đó”. 

Câu chuyện số hóa

Anh Đinh Việt Phương - người sáng lập 3DART - đơn vị tiên phong số hóa, tái hiện di sản bằng công nghệ 3D, cho biết: “Số hóa hiện nay đang là xu thế chung, tất yếu của ngành di sản. Có nhiều phương pháp số hóa khác nhau tùy vào loại hình di sản. Do đó, chúng ta nên chọn phương pháp số hóa thích hợp để lưu trữ một cách đầy đủ, khoa học, phục vụ tốt công tác nghiên cứu, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong thời đại mới”.

Văn hóa dân gian - chuyển mình trong nhịp sống mới ảnh 1 Vở diễn Tứ phủ - nghi thức văn hóa dân gian được sân khấu hóa từng rất thành công

Bà Emma Duester, giảng viên Khoa Truyền thông và thiết kế, Đại học RMIT - đại diện dự án “Số hóa bộ sưu tập quả cau ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”, cho rằng, việc số hóa góp phần giúp dự án về văn hóa vượt qua các thách thức như thiếu nhân lực, kỹ thuật và tài chính. “Quan trọng hơn, công việc này giúp bảo tồn, bảo vệ để mọi người hiểu hơn về văn hóa dân gian”, bà Emma Duester chia sẻ. 

Trong xu hướng số hóa, việc tiếp cận văn hóa dân gian có sự tham gia của nhiều bạn trẻ với cách làm sáng tạo. Họa sĩ Lê Mạnh Cương cho ra đời game Thần tích, tái hiện nhiều nhân vật nổi tiếng trong kho tàng cổ tích, thần thoại Việt Nam: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mỵ Nương... Dự án sưu tầm chuyện kể “Sống với văn hóa dân gian” hay “Cùng cộng đồng kể chuyện cải lương” kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng. Trường ca kịch viện (do một nhóm gồm 30 học sinh, sinh viên thành lập từ năm 2019 với mục đích mang nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam đến gần hơn với giới trẻ) xây dựng các triển lãm online nhỏ với các bộ sưu tập hình ảnh và video theo các chủ đề. Nhiều dự án khác: Lên ngàn, Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương… cũng cho thấy cách làm đa dạng. 

Với lợi thế nắm bắt nhanh xu hướng công nghệ trong thời đại 4.0, hầu hết các dự án chọn cách tiếp cận mở. “Chúng tôi chọn mạng xã hội và website vì dễ tiếp cận và tương tác với công chúng”, đại diện dự án Trường ca kịch viện chia sẻ. Dự án Hát bội 101 cũng đã tiến thêm một bước khi hoàn thành việc lưu trữ các kiểu nhân vật hát bội điển hình trên không gian mạng, với cả hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Việc số hóa các loại hình văn hóa dân gian có nhiều thuận lợi, nhưng không ít thách thức. Theo TS Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Đại học Việt Nhật, thành viên đồng sáng lập DPECH (Bảo tồn và giáo dục di sản trên nền tảng số): “Chúng ta cần tăng cường năng lực chuyển đổi số, marketing cho nghệ nhân, nghệ sĩ, người sản xuất để tiếp thị sản phẩm ra thị trường. Họ là những người làm nghề, rất giỏi chuyên môn nhưng không giỏi về marketing và cần được tiếp sức”. 

Một vấn đề khác cũng được lưu tâm là vấn đề bản quyền. Hiện nay, đa phần các dự án đều dùng công nghệ mới kết nối quá khứ - hiện tại và chỉ tính toán giá trị mang đến cho cộng đồng, trải nghiệm của công chúng. “Những người tham gia lĩnh vực này nên trang bị các kiến thức về bản quyền. Chúng ta cũng cần có nền tảng pháp lý, các nguyên tắc ứng xử để bảo vệ bản ngã, bản thể của di sản trong lòng cộng đồng”, anh Việt Phương bày tỏ.

" Hiện nay có 3 xu hướng chính về việc khai thác văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Đầu tiên là sự bùng nổ của xu hướng tái sinh truyền thống. Chúng tôi cảm thấy trong những năm gần đây, chưa bao giờ các giá trị truyền thống được nâng niu, khai thác và xem như nguồn tài nguyên quý giá. Những người sở hữu truyền thống cảm nhận họ đang có những gia tài và cơ hội để khai thác, tái sinh mà trước đây họ chưa nghĩ là quan trọng. Thứ hai, có rất nhiều hoạt động bảo tồn, gìn giữ truyền thống và thể nghiệm mới mẻ. Và cuối cùng, là sự kết hợp kinh nghiệm giữa Việt Nam và quốc tế trong việc phát huy các giá trị văn hóa dân gian trong công nghiệp văn hóa" - TS Lư Thị Thanh Lê - Giảng viên Đại học Việt Nhật.



" Đất nước chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên các giá trị văn hóa vật thể như văn bia, chữ viết… bị mai một nhiều. Nhờ được lưu giữ trong nhân dân, các giá trị văn hóa dân gian tồn tại đến ngày nay. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để văn hóa dân gian tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại. Trong đó, thách thức rất lớn là làm thế nào để biến các giá trị văn hóa dân gian thành các sản phẩm trong văn hóa đương đại vừa đảm bảo về mỹ thuật, kỹ thuật… " - GS-TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.



" Tôi vừa là nhạc sĩ, nghệ sĩ, người thực hành, khai thác, phát triển đưa âm nhạc, văn hóa dân gian vào trong sản phẩm âm nhạc từ đầu những năm 2000. Để phát triển văn hóa dân gian, theo tôi quan trọng nhất cần có định hướng, các chính sách phát triển mở đường, cởi mở của Nhà nước. Về mặt con người, chúng ta tự tin có rất nhiều nghệ sĩ tài năng đã phát triển đến tầm quốc tế" - Nhạc sĩ Trí Minh.

Tin cùng chuyên mục