Văn hóa đại chúng và sáng tác đương đại

Văn hóa đại chúng trong thời đại công nghệ số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, đặc biệt là giới trẻ, với sức lan tỏa chóng mặt và khả năng tiếp cận dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hội họa.

Giao thoa cùng cảm hứng bản địa

Theo ghi chép từ các tài liệu hội họa trên thế giới, văn hóa đại chúng được hiểu không đơn thuần là sản phẩm của công nghiệp văn hóa, mà còn là kết quả của quá trình tiếp nhận, sử dụng và tái tạo văn hóa của chính người tiêu dùng.

Th.S Nguyễn Thái Dương (Khoa Mỹ thuật, Đại học Kiến trúc TPHCM) phân tích: “Văn hóa đại chúng ở Việt Nam mang những đặc điểm phản ánh sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản địa và toàn cầu; mang tính phổ cập cao, lan tỏa nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận công chúng nhờ sự phát triển của công nghệ và truyền thông”.

Các họa sĩ trẻ trong nước hiện nay thường khai thác nhiều mảng đề tài từ văn hóa đại chúng để làm phong phú thêm cho tác phẩm của mình, bao gồm phản ánh đời sống thường nhật, sử dụng hình ảnh và biểu tượng quen thuộc, phản ánh các vấn đề xã hội đương đại, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, và kết nối với văn hóa dân gian.

Mối giao thoa giữa văn hóa đại chúng và cảm hứng bản địa trong sáng tác nghệ thuật, có thể thấy rõ tại cuộc thi UOB Painting of the Year năm nay (một trong những cuộc thi lớn dành cho hội họa trong nước hiện nay). Các tác phẩm thắng giải đều chọn chất liệu và đề tài sáng tác từ văn hóa bản địa hoặc các vấn đề thời sự trong nước qua góc nhìn của mỗi nghệ sĩ.

$6A.jpg
Khách tham quan triển lãm các tác phẩm thắng giải UOB Painting of the Year năm nay, được trưng bày tại Bảo tàng TPHCM

Tác phẩm Dòng chảy của nghệ sĩ Nguyễn Việt Cường đoạt giải cao nhất (hạng mục Nghệ sĩ thành danh) tôn vinh chất liệu bản địa là than đá và bột gạo. Hay tác phẩm Doraeco của họa sĩ Phan Tú Trân, đoạt giải cao nhất ở hạng mục Nghệ sĩ triển vọng, vẽ sáu lá bài xếp trên mặt bàn casino, trong đó mỗi lá đại diện cho một khía cạnh khác nhau của ô nhiễm trong hệ sinh thái, ẩn dụ cho xung đột giữa tiến bộ công nghệ và hậu quả môi trường…

Lá bài cuối cùng chưa được lật, thể hiện sự bối rối của Doraemon (lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh cùng tên của Nhật Bản), ám chỉ một tương lai vô định của thế hệ sau khi họ kế thừa cả thành tựu lẫn những hậu quả mà thế hệ trước để lại.

Đối thoại và chiêm nghiệm

Đưa văn hóa đại chúng vào thực hành sáng tạo, đã tạo nên sự biến đổi và giao lưu văn hóa mạnh mẽ, dần hình thành một môi trường thuận lợi cho sự phát triển nghệ thuật. Các họa sĩ trẻ khai thác hình ảnh, biểu tượng và ngôn ngữ từ phim ảnh, âm nhạc, truyện tranh, thời trang và các sản phẩm văn hóa đại chúng khác, đưa chúng vào tác phẩm của mình một cách sáng tạo và độc đáo. Pop Art, một phong trào nghệ thuật bắt nguồn từ văn hóa đại chúng phương Tây những năm 1950, đã dần hình thành tại TPHCM trong bối cảnh hội nhập và phát triển sôi động.

“Sự kết hợp giữa hình ảnh, biểu tượng quen thuộc từ đời sống hàng ngày với kỹ thuật và phong cách hiện đại đã tạo nên những tác phẩm Pop Art Việt Nam vừa gần gũi, vừa mới lạ, vừa phản ánh hiện thực xã hội vừa thể hiện cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ”, ThS Nguyễn Thái Dương nhìn nhận.

Sự thành công của việc tiếp biến văn hóa đại chúng vào sáng tác của các họa sĩ trẻ có thể kể đến như: Liêu Nguyễn Hướng Dương mang đến vẻ đẹp thiên nhiên qua lăng kính chấm màu, kết hợp giữa ấn tượng và trừu tượng; Trần Trung Lĩnh với phong cách kết hợp các biểu tượng, phản ánh xã hội bằng sự trào phúng; Lim Khim Katy khai thác những khoảnh khắc bình dị, phản ánh xã hội với tinh thần nhân văn, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại; Bùi Tiến Tuấn kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong tranh lụa, thể hiện vẻ đẹp nữ tính và nội tâm, đối thoại giữa quá khứ và hiện tại…

Có thể thấy hội họa hiện nay đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bối cảnh văn hóa nghệ thuật đương đại. Các họa sĩ không chỉ đơn thuần tiếp nhận mà còn chủ động tương tác, chuyển hóa và tái tạo các yếu tố văn hóa đại chúng thông qua lăng kính cá nhân và ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo.

Tuy nhiên, sự tương tác này cũng đặt ra những câu hỏi về bản sắc, tính nguyên bản và giá trị nghệ thuật đích thực, hay nguy cơ đồng nhất hóa và mất bản sắc trong quá trình toàn cầu hóa… Thách thức này, cần có sự chung tay và hỗ trợ từ nhiều phía, nhưng trong đó điều quan trọng có lẽ chính là sự đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cái tôi cá nhân của mỗi nghệ sĩ và những ảnh hưởng từ văn hóa đại chúng.

Tin cùng chuyên mục