GS-TS Nguyễn Thuyết Phong

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là niềm tự hào của Việt Nam và thế giới

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là niềm tự hào của Việt Nam và thế giới

Giáo sư – Tiến sĩ Việt kiều Mỹ Nguyễn Thuyết Phong là một trong các thành viên thẩm định Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vừa qua. Hiện nay, ông là Giám đốc thường trú Chương trình tại Hà Nội của Hội đồng Trao đổi giáo dục quốc tế và tham gia giảng dạy bộ môn Dân tộc nhạc học tại Nhạc viện Hà Nội.

- Phóng viên: Thưa giáo sư, với tư cách là một trong các thành viên thẩm định của dự án UNESCO về cồng chiêng Tây Nguyên, xin ông cho biết vì sao UNESCO quan tâm đặc biệt đến di sản này?

- GS-TS Nguyễn Thuyết Phong:
Khi được vinh dự tham gia vai trò thẩm định, thực sự là lúc tôi khá bận rộn với chuyến công tác ở Canada, Hàn Quốc, các bang ở Mỹ. Tuy vậy, tôi vẫn để thời giờ thực hiện một việc tâm huyết của mình, đó là ngồi đọc nhiều văn bản và xem nhiều băng hình của dự án do Chính phủ Việt Nam (thành viên của Liên hợp quốc) nộp lên cơ quan UNESCO để xin công nhận “The Space of Gong Culture in the Central Highlands of Vietnam” (Không gian văn hóa cồng chiêng Trung nguyên Việt Nam) là “Di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là niềm tự hào của Việt Nam và thế giới ảnh 1

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong (hàng ngồi, bìa trái) và đội cồng chiêng Tây Nguyên.

Cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận thật chân xác qua lần duyệt định này (năm 2005) như một trong 43 di sản của thế giới với lý do đặc biệt: hiếm có, đáng quý, có thể bị mai một, cấp thiết phải được quan tâm và bảo lưu.

- Cảm nhận của giáo sư về giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như thế nào?

- Bây giờ, khi xong việc rồi, tôi mới được quyền nói ra những gì tôi nghĩ – tôi yêu quý cồng chiêng Tây Nguyên. Tôi cảm nhận cồng chiêng Tây Nguyên ở cả hai góc độ. Thứ nhất, là một nhà nghiên cứu, chúng tôi phải trung thực, công bằng trong lúc thẩm định giá trị văn hóa cồng chiêng và am hiểu đặc điểm trọng yếu của nó trong “đời sống” của con người Tây Nguyên.

Yếu tố ấy phải thực sự ăn sâu vào máu thịt của bản thân các dân tộc đó. Khi đi nghiên cứu tìm hiểu âm nhạc Tây Nguyên tôi thấy rất rõ điều này. Tôi đã nghe tiếng nói nghìn năm trong tiếng cồng tiếng chiêng (đồng bào mình gọi là “ching”) trong những ngày mưa thụt sình ở Đắc Nhau, trong ánh lửa bập bùng vùng đồng bào Xtiêng ở Sông Bé, những đêm ray rứt ở Buôn Xâm, Bờ Y, Dục Nông v.v…

Tôi nghe những âm thanh hùng vĩ của những dàn cồng chiêng lớn Gia-rai, Ê-đê như bản giao hưởng âm nhạc độc đáo, bác học (nhưng qua phương pháp truyền khẩu). Ở góc độ thứ hai, là kỷ niệm về cuộc sống và âm nhạc đồng bào Tây Nguyên đã từ lâu đem đến cho tôi như một món quà âm thanh vô giá, vun bón cho tâm hồn tôi thêm khởi sắc. Tôi lưu trữ nền văn hóa này qua hàng trăm giờ âm nhạc và băng hình và hàng nghìn hình ảnh trong sưu tập của tôi.

Hiện hai thư viện đang lưu trữ sưu tập của tôi ở Hoa Kỳ là Library of Congress (Thư viện Quốc hội) và Đại học Hobart and William Smith. Một phần đã được tuyển chọn xuất bản trong CD Music of the Trường Sơn Mountains (Âm nhạc dãy Trường Sơn, do White Cliffs Media xuất bản) và phần khác là công trình nghiên cứu đã công bố trong Đại từ điển bách khoa âm nhạc thế giới Garland.

Tôi đã sống với bà con Tây Nguyên, hiểu họ và cũng được họ cưu mang rất nhiều. Tôi rất yêu quý phần tư liệu video mà Bộ Văn hóa-Thông tin đã nộp, thường mang theo mình nghe đi nghe lại mãi, với mong muốn một ngày nào đó văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được thế giới tôn vinh.

Tôi cũng hết sức cảm ơn cố nhạc sĩ Trần Hoàn (nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin) và Viện Văn hóa nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh (qua các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Kpa Ylăng, Nguyễn Văn Hoa) và rất nhiều nghĩa tình của các nhà nghiên cứu khác đã kết nối tôi với bà con ở đó. Giờ đây tôi xin chia sẻ nỗi vui mừng lớn ấy với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

- Cồng chiêng có mặt khắp Đông Nam Á, xin giáo sư vui lòng kể một vài đặc điểm của cồng chiêng Tây Nguyên?

- Mặc dù nhiều người biết rằng cồng chiêng có mặt ở khắp Đông Nam Á, chúng ta không thể so sánh cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên với Gamelan của Indonesia, Kulingtan của Nam Philippines, hay Piphát của Thái Lan, Lào, hoặc Pinpiết của Campuchia.

So sánh như thế sẽ không hợp lý, vì lẽ trong các truyền thống ấy có nhiều điểm khác với Tây Nguyên. Cụ thể, một người chơi một dàn cồng chiêng sắp xếp theo hàng thẳng đặt trên khung gỗ (ở các nước hải đảo), hoặc hình vòng cung trên giá (ở lục địa Đông Nam Á) mà người ta thường gọi là “khong wong” (tức “cồng vòng”).

Trong khi ấy, cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên được biểu diễn qua một phương thức khác: mỗi người một chiếc, nhiều người hợp thành một dàn hợp tấu. Vì thế, tính “cộng đồng” trong âm nhạc cồng chiêng này trở thành một nét đặc trưng.

Trong khi hợp tấu, các âm chồng lên nhau nghe như nhạc giao hưởng polyphony (nhạc đa âm/phức âm). Chúng ta có thể đem so với cồng chiêng của dân tộc Ifugao ở Bắc Philippines, và thấy rằng cồng chiêng Tây Nguyên có điểm tương đồng. Tuy nhiên, sức mạnh của âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên vượt trội hơn hẳn về mọi mặt.

- Xin cảm ơn giáo sư. 

KIM ỬNG 

Tin cùng chuyên mục