
Từ khi hàng loạt nhà máy thủy điện (NMTĐ) được xây dựng trên sông Srêpốk (chảy qua địa phận Đắk Lắk - Đắk Nông), dòng sông này thường bị “chết khô” vào mùa nắng hạn. Trong khi đó, quy trình vận hành thủy điện trên sông Srêpốk vẫn chưa được phê duyệt và hiện mỗi NMTĐ vận hành theo một cách khác nhau. Vì thế, cứ đến mùa khô thì cả người dân và nhà máy thủy điện cùng phập phồng lo thiếu nước.
Nguồn nước ngày càng hiếm
| |
Dòng sông Srêpốk được hợp thành từ hai nhánh sông Krông Ana (Đắk Lắk) và Krông Nô (Đắk Nông), gắn bó máu thịt với đời sống người dân địa phương hàng trăm năm qua. Nhưng hiện cứ vào mùa nắng hạn, đoạn sông Srêpốk chảy qua địa phận huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) lại khô cạn, làm mực nước ngầm tụt giảm. Từ đó, nhiều giếng khoan của người dân trong vùng bị khô nước.
Ông Ama An (Trưởng buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) tâm sự: “Khổ lắm, nhà mình khoan đến cái giếng thứ 3 rồi vẫn chưa có đủ nước để dùng. Nước bẩn quá nhưng cũng phải bơm về để rửa, để tắm, còn nước ăn phải mua nước đóng bình thôi. Nếu sông cứ cạn thêm nữa, không biết lấy tiền ở đâu để mua nước mà dùng đây?”. Không có tiền mua nước bình như ông Ama An, nhiều người dân khác trong buôn Trí A đành phải lấy nước sông Srêpốk về dùng.
Vào năm 2000, dự án nước sạch do Chính phủ Đan Mạch tài trợ đã khoan nhiều giếng nước sạch cho người dân xã Krông Na. Nhưng được một thời gian, những nước giếng này cũng đục và người dân trở lại lấy nước sông Srêpốk về dùng. “Ngày nào, cũng có người dân đến nhà kêu tôi phải nói với xã và huyện để thủy điện trả nước cho dân. Nói nhiều lắm rồi, nhưng họ có chịu trả nước đâu!”, ông Ama An kể.
Trong khi đó, đoạn sông Srêpốk chảy qua thôn 9 và thôn Nà Ven (xã Ea Wer) cũng có khoảng gần 1km đang khô kiệt. Nhiều diện tích lúa nằm ven sông của người dân dần héo khô vì không có nước tưới, còn hàng chục giếng khoan đang hết nước vì sông cạn làm mực nước ngầm giảm mạnh. Tại huyện Krông Nô (Đắk Nông), nhiều diện tích cây trồng nằm cạnh sông Srêpốk cũng rơi vào cảnh thiếu nước tưới do sông khô cạn.

Voi đi giữa dòng sông Srêpốk cạn nước, đoạn chảy qua địa phận huyện Buôn Đôn.
Các NMTĐ đang hoạt động trên sông Srêpốk cũng chung tình cảnh thiếu nước. Theo ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, tại hồ chứa NMTĐ Buôn Tua Srah, lưu lượng nước về trong những ngày qua xấp xỉ 16 - 20m³/s (lưu lượng trung bình hàng năm là 102m³/s). Do lưu lượng nước về quá thấp, gần 1 tuần qua, NMTĐ Buôn Tua Srah chỉ chạy máy với công suất hơn 1/3 so với những ngày trước. Tại hồ chứa NMTĐ Buôn Kuốp, lưu lượng nước về trung bình tuần qua đạt gần 54m³/s (thấp hơn cùng kỳ từ 10 - 20m³/s).
Còn tại hồ chứa NMTĐ Srêpốk 3, lưu lượng nước về trung bình tuần qua đạt hơn 54m³/s (thấp hơn cùng kỳ khoảng 30 - 40m³/s). Vì thế, 2 NMTĐ Buôn Kuốp và Srêpốk 3 cũng phải giảm công suất chạy máy. Các NMTĐ khác nằm dưới 3 NMTĐ nói trên như: Đrây H’linh, Srêpốk 4, Srêpốk 4A… cũng chung cảnh không đủ nước chạy máy.
Cần chia sẻ lợi ích
Trên sông Srêpốk hiện có 8 NMTĐ lớn đang hoạt động, được phân bố theo hệ thống bậc thang. Vào mùa khô, các NMTĐ trên bậc thang sông Srêpốk chủ yếu được cung cấp nước từ nhánh sông Krông Nô (thông qua việc chạy máy của NMTĐ Buôn Tua Srah) vì lưu lượng nước từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm của sông Krông Ana rất thấp. Trong khi đó, hồ Buôn Tua Srah cũng là nguồn nước chính cung cấp cho cây trồng 7 xã của huyện Lắk (Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (Đắk Nông).
Ông Nguyễn Tấn Triết cho biết: “Mặc dù lượng nước tại 3 hồ chứa thủy điện (Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpốk 3 - PV) của công ty đã xuống mức rất thấp, nhiều ngày qua không đủ nước để chạy máy nhưng chúng tôi vẫn xả nước về hạ du theo đúng cam kết. Riêng cánh đồng ở phía hạ lưu NMTĐ Buôn Tua Srah sẽ bắt đầu thu hoạch trong khoảng 1 tháng tới nên chúng tôi đã có những tính toán cụ thể để đảm bảo nguồn nước sản xuất cho người dân”.
Theo dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ thủy điện trên sông Srêpốk từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm, các hồ chứa phải đảm bảo mực nước xả về hạ lưu như sau: Buôn Tua Srah (không được nhỏ hơn 100m³/s), Buôn Kuốp (100m³/s), Srêpốk 3 (130m³/s), Srêpốk 4 (64m³/s) và Srêpốk 4A (27m³/s). Nhưng với NMTĐ Srêpốk 4A, rất khó đảm bảo được mực nước xả về hạ lưu không được nhỏ hơn 27m³/s.
Ông Khuất Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn - chủ đầu tư NMTĐ Srêpốk 4A, cho biết: “Lưu lượng nước về kênh dẫn dòng nhà máy chúng tôi phụ thuộc vào lưu lượng xả của các nhà máy nằm trên sông Srêpốk, vì thế không thể chủ động được nguồn nước. Cống phay của nhà máy vẫn có thiết kế xả đủ 27m³/s, nhưng vào mùa khô không thể đủ nước để xả lưu lượng như thế”.
Vì thế, khoảng 20km đoạn sông Srêpốk từ NMTĐ Srêpốk 4 (nơi NMTĐ Srêpốk 4A bắt đầu chuyển dòng) đến xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn (nơi NMTĐ Srêpốk 4A trả nước lại sông Srêpốk) sẽ tiếp tục thiếu nước vào mùa khô hạn.
CÔNG HOAN