Báo cáo với Quốc hội trước phiên chất vấn sáng nay, 9-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, trước những ưu điểm rõ rệt của hình thức thu phí điện tử không dừng so với hình thức thu phí thủ công, công nghệ thu phí không dừng đã được triển khai từ năm 2015, với lộ trình dự kiến qua 3 giai đoạn, hiện vẫn đang ở giai đoạn 1.
Sau khi điều chỉnh nhiều lần, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17-6-2020 yêu cầu: “chậm nhất đến ngày 31-12-2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng; các địa phương chịu trách nhiệm triển khai thu phí không dừng tại các trạm do địa phương quản lý”. Thời hạn này đã qua từ 2,5 năm trước, song nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đến nay, tất cả các trạm thu phí đủ điền kiện đã được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. Đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, trong đó, Bộ GTVT quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 44 trạm.
Đối với các dự án của VEC, hiện mới lắp đặt được số làn tối thiểu trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, các tuyến cao tốc còn lại (Hà Nội - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Đà Nẵng - Quảng Ngãi) chưa lắp đặt, đang sử dụng hệ thống thu phí thủ công (MTC). Hiện nay có khoảng hơn 3 triệu phương tiện đã dán thẻ để tham gia dịch vụ, chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc.
Người đứng đầu ngành GTVT cam kết sẽ chỉ đạo hoàn thiện toàn bộ hệ thống để đảm bảo các trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy, áp dụng chế tài dừng thu phí hoặc yêu cầu đóng các làn thu phí chưa lắp đặt thu phí không dừng nếu chậm tiến độ.
Đối với việc lắp đặt các làn thu phí còn lại (Bộ GTVT và địa phương là cơ quan có thẩm quyền), nhà đầu tư BOT đã hoàn thành công tác chuẩn bị (thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, đặt hàng mua sắm thiết bị), phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-6-2022. Trong quá trình lắp đặt các làn thu phí còn lại, việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn diễn ra bình thường do các trạm đã được lắp đặt số lượng lớn các làn thu phí ETC (mỗi trạm chỉ còn 1 cửa thu MTC).
Đối với các dự án do VEC quản lý, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trước ngày 6-6-2022 để tiến hành lắp đặt, vận hành hệ thống trong tháng 7-2022, nghiêm túc xử lý trách nhiệm, tập thể cá nhân nếu để chậm tiến độ.
Chia sẻ với nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, sẽ thực hiện đúng quy định Hợp đồng BOT đã ký, cho phép các dự án được áp dụng mức phí theo lộ trình trong hợp đồng trong năm 2022.
Các giải pháp khác bao gồm triển khai thí điểm chỉ thu phí không dừng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng (không áp dụng thu MTC) làm cơ sở mở rộng cho các tuyến cao tốc khác; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống; tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, kịp thời khắc phục các lỗi trong quá trình vận hành hệ thống…