Chiều 30-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).
Giáo dục không thể nằm ngoài cuộc cách mạng 4.0
Tán thành việc sửa 2 luật về giáo dục, nhưng nhiều ĐBQH đều trăn trở, với sự phát triển như vũ bão hiện nay của công nghệ, với cuộc cách mạng 4.0, giáo dục Việt Nam phải đưa công nghệ số vào giáo dục càng nhanh, càng mạnh càng tốt.
Học sinh, sinh viên Việt Nam phải được chú trọng rèn luyện, đào tạo về các kỹ năng.
Theo ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM), một trong những kỹ năng quan trọng nhất là phản biện, chỉ khi có kỹ năng, tư duy phản biện thì các em mới tìm ra được cách để giải quyết các vấn đề. Cùng với đó là kỹ năng về khởi nghiệp, kinh doanh. Chính phủ rất chú trọng về chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, nhưng Luật Giáo dục sửa đổi không nhắc tới vấn đề này. Ngoài ra, Luật cũng cần nói rõ về vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đẩy mạnh phân ban ở THPT để các em định hướng rõ hơn về nghề nghiệp, các em chọn môn học phù hợp với nghề nghiệp.
Vẫn theo ĐB Nguyễn Việt Dũng, các dự thảo Luật cũng chưa đề cập rõ đến GD-ĐT trực tuyến, trong khi đó đây sẽ là xu hướng mạnh trong những năm tới. Chúng ta chưa có cơ sở pháp lý cho hình thức đào tạo trực tuyến.
ĐB Dũng cũng đề nghị cho phép giáo viên được dạy nhiều trường trên địa bàn. Ví dụ, một giáo viên giỏi có thể được hợp đồng để dạy ở trường khác những chuyên đề xuất sắc của mình, đó cũng là xu hướng của nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, ĐB Dũng cũng đặt vấn đề: giảng viên đại học có được quyền lập doanh nghiệp không? Có được quyền góp vốn để phát triển, thương mại hóa các nghiên cứu của mình hay không? nhất là trong bối cảnh chúng ta mong muốn đẩy mạnh phát triển các nghiên cứu khoa học ở các trường đại học. Trường có được quyền thành lập công ty, góp vốn thành lập công ty phát triển công nghệ cũng như định giá tài sản các nghiên cứu của trường hay không? Vì để phát triển GDĐH, không chỉ phát triển đào tạo mà còn phải thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học.
Ví dụ đào tạo trực tuyến, học online sẽ phát triển, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách để quản lý sinh viên, phát huy sự tự giác, tự chủ, trung thực của sinh viên.
Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cũng đồng tình phải đề cao, nêu rõ vấn đề khởi nghiệp trong Luật GDĐH. Đại học phải là nơi phát triển các ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo. Hiện nay nhiều trường đã đưa vấn đề khởi nghiệp vào giảng dạy, tuy nhiên cần có quy định pháp lý về vấn đề này để thúc đẩy khởi nghiệp.
“Phải khích lệ được sinh viên học không phải chỉ để đi xin việc làm mà phải tạo ra việc làm cho xã hội, muốn thế phải có tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo”, ĐB Huỳnh Thành Đạt nêu.
Về quản trị đại học, ĐB Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, sửa Luật GDĐH lần này phải bảo đảm tự chủ thực sự cho đại học. Cần tiến tới bỏ hoàn toàn cơ quan chủ quản của trường đại học, thay vào đó, Hội đồng trường quyết định. Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước bằng luật pháp.
“Tôi được biết tới đây Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đại học, đẩy mạnh chức năng Hội đồng trường. Nếu làm được điều đó tự chủ đại học sẽ được đẩy lên một bước”, ĐB Huỳnh Thành Đạt nói.
Vẫn nên gọi là học phí?
Về vấn đề nên gọi "phí đào tạo" hay "giá dịch vụ đào tạo" mà dự thảo Luật GDĐH đã đề cập và đang gây tranh luận của dư luận, là người trong ngành giáo dục, ĐB Huỳnh Thành Đạt thừa nhận vẫn chưa có sự thống nhất giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
“Vẫn gọi là "học phí" thôi, nhưng bản chất là giá, vì phải tính toán đầy đủ các chi phí đào tạo. Vấn đề quan trọng là làm sao giá dịch vụ đào tạo phải bảo đảm cho các trường hoạt động, ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sinh viên khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ”, ĐB Huỳnh Thành Đạt nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, vừa rồi dư luận rối về "phí" và "giá". “Tôi cho rằng vẫn nên gọi là "học phí", không nên đổi là "giá dịch vụ đào tạo" làm gì”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cũng đồng ý: "Giá dịch vụ đào tạo" về nội hàm thì khái niệm này rộng hơn "học phí", nhưng vẫn có thể dùng từ "học phí", vốn đã rất quen thuộc, chỉ cần định nghĩa lại cho rõ trong luật này là được. Nước ngoài người ta cũng chỉ dùng một khái niệm “tuition fee”, là “học phí” thôi. ĐB Phương cho rằng, "dùng một thuật ngữ lạ tai quá thì xã hội khó chấp nhận”.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc Chính phủ phải có văn bản giải thích về vấn đề phí, giá để thống nhất cách hiểu của xã hội.
Bộ GD-ĐT “ôm” tổ chức thi tốt nghiệp làm gì?
Về mô hình quản lý nhà nước đối với giáo dục, ĐB Nguyễn Việt Dũng nêu câu hỏi: "Tại sao Bộ GD-ĐT vẫn "ôm" kỳ thi THPT quốc gia, tại sao không giao địa phương, thậm chí giao trường để họ thi và cấp bằng tốt nghiệp? Tất nhiên phải có lộ trình, nhưng cần tiến tới sự tự chủ giáo dục trong đó có việc trường được quyền thi và cấp bằng. Ví dụ trường Amsterdam của Hà Nội hay trường Lê Hồng Phong của TPHCM hoàn toàn có thể tự thi và cấp bằng tốt nghiệp một cách chất lượng”.