Ngày 23-2, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề "Thực trạng, kinh nghiệm và cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 11-11-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố”.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM.
Cần khai thác tốt nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến 2 yêu cầu của Chỉ thị 24, đó là rà soát thống kê để nắm chắc nguồn lực và khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công.
Đồng chí nhìn nhận các đơn vị đã nhận thức rất sâu sắc tinh thần Chỉ thị 24, thể hiện ở việc không chỉ tập trung vào quản lý sử dụng mà còn đặt ra vấn đề phải gắn với phát triển nguồn tài sản công, tạo ra tài sản cho thế hệ sau.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, tài sản công của TPHCM rất lớn, nếu được quản lý khai thác tốt sẽ là nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ kinh tế xã hội của TPHCM. Tuy nhiên, đồng chí nhìn nhận quá trình quản lý khai thác cũng còn tình trạng phức tạp, dẫn đến thất thoát tài sản, sai phạm của một số tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh kết quả thực hiện Chỉ thị 24 vẫn còn những tồn tại, hạn chế, còn việc chưa đạt yêu cầu. Cụ thể là TPHCM chưa số hóa được, chưa xử lý được bất cập chồng chéo, chỉ nắm được tài sản trên giấy tờ mà chưa đồng bộ với thực tế. Trong quản lý sử dụng còn chưa phân nhóm tài sản nào đầu tư khai thác, phát triển mới…
Trong thời gian tới, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu, Ban cán sự Đảng UBND TPHCM, Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức, lãnh đạo các đơn vị nắm giữ tài sản công rà soát lại những việc đã và chưa làm được; củng cố các tổ công tác Chỉ thị 24.
Theo đồng chí, mục tiêu là trong 6 tháng đầu năm 2024, bổ sung kế hoạch triển khai, thống nhất được các việc cần làm để nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025 thực hiện đạt yêu cầu của Chỉ thị 24, để từ đó có thể quản lý, vận hành tài sản công trên địa bàn thành phố đúng theo tinh thần chỉ thị này.
"Sau khi hoàn thiện các tổ công tác, cần rà soát, bổ sung kế hoạch", đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu và nhấn mạnh, tiếp đó là tập trung rà soát kiểm kê sát số lượng thực tế, gắn với số hóa, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập như việc không thống nhất giữa thực tế và giấy tờ, nhiều địa chỉ nhà đất là tài sản công nhưng thực tế đã cấp giấy sở hữu riêng cho người dân…
Theo đồng chí, việc rà soát thống kê và phân nhóm giải quyết vướng mắc là công việc chủ yếu ở quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong khi đó, nhiệm vụ chủ yếu của cấp thành phố là khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn quy trình, quy định chuyển giao, tiếp nhận, đấu giá tài sản, đầu tư phát triển mới tài sản công.
Những nội dung công việc đã có quy định thì thực hiện ngay; những nội dung chưa có quy định, hoặc quy định còn chồng chéo, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý đến việc vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho rằng, cần tính toán bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TPHCM và Trung tâm quản lý nhà và Giám định xây dựng. "Khi được quy định đầy đủ chức năng nhiệm vụ thì hai cơ quan này mới tham mưu được, không chỉ để tiết kiệm tiền quản lý vận hành tài sản công hàng năm, mà còn phát triển quỹ nhà đất, tài sản công", đồng chí nêu rõ.
Cùng với đó, các cơ quan như Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra TPHCM, Ban Nội chính, HĐND TPHCM, MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường kiểm tra giám sát để tiếp tục chấn chỉnh, tránh sai sót tiêu cực trong quản lý khai thác tài sản công.
Liên quan đến các kiến nghị tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh quan điểm quyết liệt trong phân cấp ủy quyền. Các tài sản công chưa sử dụng thì ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng như trường học, công viên, trạm y tế…
Tăng cường tự kiểm tra, giám sát
Tiếp thu chỉ đạo và kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Dương Ngọc Hải nhấn mạnh, Chỉ thị 24 được ban hành với ý nghĩa nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong quản lý đất công, nhà công trên địa bàn thành phố; từng bước chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, khuyết điểm, sai phạm và tiến tới nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM lưu ý đến một số nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa tác dụng của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 24 về công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của nhà nước.
Đồng chí Dương Ngọc Hải nhấn mạnh phải xem xét công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về nội dung này là nhiệm vụ thường xuyên, quá trình thực hiện phải luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, của cấp ủy cùng cấp và ủy ban kiểm tra cấp trên.
Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tự kiểm công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của nhà nước. Trong đó, đồng chí lưu ý đến việc tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc thực hiện Chỉ thị 24 và công văn số 867 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 24.
Đồng thời đẩy mạnh việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng và đảng viên để phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, các trường hợp có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Cùng với đó, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. Chú trọng kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước được giao quản lý và sử dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM cũng lưu ý qua công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nhà, đất công.
Đây là lĩnh vực phức tạp, liên quan đến kiến thức chuyên ngành cho nên cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp trong lĩnh vực quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tập trung số hóa dữ liệu quản lý tài sản công
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng yêu cầu Sở Tài chính TPHCM tập trung cho công tác số hóa trong quản lý sử dụng tài sản công, vì việc số hóa hết sức quan trọng để xác định chính xác nguồn lực, từ đó quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả.
Đồng chí cũng đề nghị tiếp tục rà soát các khó khăn vướng mắc, như vướng mắc về giá, phương án liên doanh liên kết giữa các đơn vị. Thực tế giám sát của HĐND TPHCM cho thấy có những trường hợp liên doanh liên kết chưa đúng quy định, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.