Vận dụng sáng tạo tri thức, sớm đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới

Sáng 20-10, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM tổ chức lễ khai khóa năm học 2024-2025 cho tân sinh viên trúng tuyển vào các trường thành viên của ĐHQG TPHCM trong mùa tuyển sinh năm 2024. Điểm đặc biệt của lễ khai khóa năm nay là ĐHQG TPHCM gửi gắm thông điệp tôn vinh nhân tài, khẳng định tầm quan trọng của giáo dục, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội trong việc đối mặt với những thách thức từ công nghệ, biến đổi khí hậu và sự biến đổi của thế giới.

Tân sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM dự lễ khai khóa năm học 2024-2025
Tân sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM dự lễ khai khóa năm học 2024-2025

Đất nước cần các em - những “Thánh Gióng mới” để vươn mình phát triển

Chia sẻ với hàng 1.000 tân sinh viên tại lễ khai khóa, Giám đốc ĐHQG TPHCM PGS-TS Vũ Hải Quân nêu bật vai trò của thế hệ trẻ và những nhà giáo dục trong việc đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới​ thông qua những ví dụ thực tiễn suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước.

462548754_1132781485231006_8376628829794466703_n.jpg
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM chia sẻ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với tân sinh viên tại lễ khai khóa

Giám đốc ĐHQG TPHCM nhấn mạnh, trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi trọng và sử dụng nhân tài với triết lý “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Truyền thuyết Thánh Gióng có lẽ là minh chứng đầu tiên trong lịch sử dân tộc về việc trọng dụng nhân tài.

“Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Lời của cậu bé Thánh Gióng ai trong chúng ta cũng đều nhớ. Cách đây gần 1.000 năm, Nhà Lý đã tổ chức khoa thi đầu tiên với mục đích là để tuyển chọn nhân tài tham gia bộ máy quản lý điều hành đất nước. Sau Cách mạng Tháng tám thành công, ngày 20-11-1946 Bác Hồ đã ra thông báo “Tìm người tài đức” trên Báo Cứu quốc. Chỉ vỏn vẹn 132 từ, Bác khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Dẫn chứng thêm, PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết, Romer, người đạt giải thưởng Nobel về Kinh tế năm 2018 về lý thuyết tăng trưởng nội sinh, đã chỉ ra rằng nhân lực trình độ cao là yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế. Nơi nào thu hút được nhân tài nhiều hơn, nơi đó sẽ thịnh vượng hơn. Nhìn ra khu vực và thế giới: năm 1999, Chính phủ Singapore công bố chiến lược về nhân tài, xem nhân tài như là một nguồn vốn quan trọng nhất. Kết quả là chỉ tính riêng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, số lượng nhân tài đã tăng gấp đôi sau 20 năm. Kế hoạch Ngàn Nhân tài được chính phủ Trung Quốc ban hành năm 2008. Kết quả là trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đã có những bước tiến nhảy vọt mới. “Tàu Hằng Nga” đã đáp xuống Mặt Trăng, “Trạm vũ trụ Thiên Hòa” đã được đưa lên không gian, “Tàu Thiên Vấn” đã khám phá sao Hỏa...

Hôm nay, chúng ta đang tiến tới những cột mốc lịch sử trọng đại của đất nước đó là: tròn 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tròn 100 năm độc lập dân tộc với rất nhiều thách thức mới như: những thách thức về biến đổi khí hậu, cạn kiệt các nguồn tài nguyên; thách thức về địa chính trị như chiến tranh, dịch bệnh, nhu cầu ngày càng tăng nhanh của lương thực, nước ngọt, năng lượng; sự phát triển đột phá của công nghệ, sự cạnh tranh khốc liệt của các cường quốc công nghệ trên thế giới và khu vực...

Từ những dẫn chứng trên, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng, để không bị bỏ lại phía sau, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là vượt qua thách thức bằng lợi thế nhân tài, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đất nước cần những thế hệ Thánh Gióng mới để vươn mình phát triển. ĐHQG TPHCM bước vào kỷ nguyên mới với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam, đồng thời gánh trên vai sứ mệnh kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới cho đất nước, sẵn sàng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Do đó, để sẵn sàng cho kỷ nguyên mới, thực tiễn đặt ra cho các thầy cô và các em những yêu cầu mới, phẩm chất mới, năng lực mới. Thầy mong các em chăm chỉ, cần mẫn học tập, tu dưỡng, rèn luyện để có kiến thức toàn diện, có trách nhiệm xã hội, có năng lực lãnh đạo, có tư duy khởi nghiệp; làm chủ, vận dụng sáng tạo tri thức, sớm đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Đất nước cần các em - những “Thánh Gióng mới” để vươn mình phát triển. Tôi mong các thầy cô giáo không ngừng nỗ lực, miệt mài nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để tìm ra tri thức mới, công nghệ mới, những giá trị văn hoá đặc sắc mới nhằm giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới; tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam”, PGS-TS Vũ Hải Quân mong muốn.

Người trẻ hãy dấn thân và cống hiến

Là diễn giả khách mời tại lễ khai khóa, bà Lê Duy Loan, nhà nghiên cứu thâm niên tại hãng công nghệ toàn cầu lâu đời nhất nước Mỹ, Tập đoàn Texas Instruments, đã chia sẻ với thầy cô và học sinh, sinh viên ĐHQG TPHCM từ trải nghiệm của bản thân về hành trình dấn thân và cống hiến của người trí thức trẻ.

462534393_1199543554485786_5252095782061723437_n.jpg
Bà Lê Duy Loan, nhà nghiên cứu thâm niên tại hãng công nghệ toàn cầu lâu đời nhất nước Mỹ, Tập đoàn Texas Instruments

Khi nhắc đến những điều đã dẫn đến sự thành công của bản thân ở thời điểm hiện tại, bà Loan luôn nói về quãng thời gian còn được sống tại quê hương Việt Nam. Bà nói rằng, người ta thường tin rằng 12 năm đầu tiên của cuộc đời là 12 năm quan trọng nhất, bởi nó sẽ định hình nhân cách, tư tưởng, quan điểm sống của cả một đời người.

Năm 12 tuổi, bà và gia đình rời khỏi Việt Nam với số tiền ít ỏi trong túi. Lúc đó, gia đình bà không có tiền, không có nhà, không biết một chữ Tiếng Anh nào, phải đến một đất nước xa lạ với nền văn hóa hoàn toàn khác. Và quan trọng nhất là gia đình thiếu vắng 2 trụ cột là ba và anh hai bà. Thật sự đó là một thời kỳ rất khó khăn với gia đình bà.

Dù ban đầu không hề biết nửa chữ tiếng Anh, phải học lùi lại hai lớp so với tuổi nhưng bà vẫn tốt nghiệp thủ khoa khối trung học phổ thông vào năm 16 tuổi, sớm hơn hai năm so với bạn bè cùng trang lứa. Năm 19 tuổi, cô gái Lê Duy Loan tốt nghiệp đại học tại Trường University of Texas, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện tử với thành tích rất cao. Sau đó, bà bắt đầu đảm nhiệm công việc kỹ sư thiết kế chip nhớ ở tập đoàn Texas Instruments. “Tôi vừa đi làm, vừa học thạc sĩ ở Trường ĐH Houston. Thế rồi mọi chuyện cứ như vậy thăng tiến cho tới tận bây giờ, thực sự tôi rất tự hào về những gì mà tôi - một con người gốc Việt từng làm được”, bà Loan nhấn mạnh.

Chia sẻ với sinh viên, bà Loan cho biết, tôi luôn có niềm tin mạnh mẽ vào giáo dục. Nó chính là chìa khóa giúp các em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn có thể vươn lên để thoát nghèo và giúp đỡ mọi người. Đôi khi, cuộc đời lấy đi của các em nhiều thứ nhưng không thể cướp lấy kiến thức trong bộ não của các em được.

462537100_901406794818345_6836108433537340485_n.jpg
GS-TS Nguyễn Phương Thảo, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) lưu ý tân sinh viên về việc học và nghiên cứu

Trong khi đó, đại diện nhóm khảo sát của Đề án nghiên cứu mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống ĐH của sinh viên tại Ký túc xá ĐHQG TPHCM, PGS-TS Nguyễn Phương Thảo, Trường ĐH Quốc tế cho rằng, sinh viên chủ động về quản lý thời gian rỗi và trao dồi các kỹ năng quan trọng khác như lãnh đạo, rèn luyện tư duy đổi mới, thúc đẩy bản thân... khi có cơ hội kết hợp việc tự xây dựng và thực hiện các dự án liên quan đến quản lý thời gian rỗi để có kết quả tốt hơn.

Đồng thời, sinh viên nên xây dựng lộ trình học tập, hoạt động ngoại khóa với những kế hoạch cụ thể để có thể đánh giá được hiệu quả thực hiện kế hoạch của bản thân, tăng cường các hoạt động tập thể, đoàn hội, gia tăng tinh thần cộng tác, xây dựng lý tưởng học tập và kế hoạch tương lai cho bản thân.

Tin cùng chuyên mục