Vận dụng Nghị quyết 98 nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế TPHCM

Chiều 4-3, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43); Nghị quyết 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM đến năm 2023 (Nghị quyết 57).

Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì tiếp đoàn.

viber-image-2024-03-04-15-15-09-592-4671.jpg
Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 43, TPHCM cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 ước đạt 9,03%; năm 2023 ước đạt 5,81%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với các nền kinh tế khác trên thế giới và trong khu vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

viber-image-2024-03-04-15-15-12-615-6149.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì tiếp đoàn giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội. Tăng cường kết nối cung - cầu, phát triển thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Nhiều hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, tạo thuận lợi mới, cơ hội, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, phát huy tiềm năng hợp tác với các đối tác cả về kinh tế, khoa học công nghệ, đào tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, các ngành, lĩnh vực công nghệ cao (chip, bán dẫn, Hydrogen…).

Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số hạn chế, như mức độ quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội chậm được xử lý, ngày càng gia tăng và gặp nhiều thách thức trên các lĩnh vực. Tình hình tội phạm về kinh tế, ma túy, tội phạm công nghệ cao còn diễn biến phức tạp. Năm 2023, mặc dù các ngành kinh tế có sự tăng trưởng nhưng GRDP và thu ngân sách thành phố chưa đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt kế hoạch.

Thời gian tới, TPHCM theo dõi sát tình hình, có phương án ứng phó, điều chỉnh kịp thời với các tình huống cấp bách, bất ngờ; nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, dự báo tình hình, các rủi ro, bất ổn có thể phát sinh. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm.

viber-image-2024-03-04-15-15-11-897-3500.jpg
Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh đó, quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, năng lực hấp thụ vốn và lao động; phát triển các loại thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập.

TPHCM tiếp tục vận dụng các cơ chế chính sách đặc thù của Quốc hội tại Nghị quyết 98/2023/QH15 để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành phố; huy động nguồn lực hợp tác công tư và nguồn lực xã hội cho phát triển. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính.

UBND TPHCM kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế suất VAT trong luật thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% cho tất cả hàng hóa, dịch vụ để kích cầu tiêu dùng; nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với các nước trong khu vực. Đồng thời, kiến nghị sớm ban hành Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.

UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành 11 nội dung. Trong đó, đề xuất Chính phủ nghiên cứu bổ sung thêm các hình thức khen thưởng trên doanh thu xuất khẩu, mở thị trường mới; tăng mức hỗ trợ chi phí gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm, chi phí xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Khi ban hành chính sách hỗ trợ liên quan đến người lao động nên thực hiện theo hướng phương thức chi trả một lần với số tiền cụ thể…

viber-image-2024-03-04-15-15-12-240-1791.jpg
Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về thực hiện Nghị quyết 57, dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn TPHCM dài khoảng 47,51km với 2 dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần 1 là Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM, tổng mức đầu tư hơn 22.410 tỷ đồng; dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố, tổng mức đầu tư: 18.976 tỷ đồng. Tổng số trường hợp ảnh hưởng khoảng 1.671 tỷ đồng. Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 410,439ha.

UBND TPHCM nhận xét, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyết định phê duyệt phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đã được triển khai thực hiện theo quy định. Đến ngày 30-12-2023, dự án thành phần 2 đã thực hiện thu hồi được 399,090ha/410,439ha (đạt 97,23%), đã chi trả cho các trường hợp bị ảnh hưởng với giá trị hơn 7.629.981 tỷ đồng/10.441,989 tỷ đồng (đạt 73,07%). Tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo theo yêu cầu…

UBND TPHCM nhìn nhận còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án. Do đó, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN-MT tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc điều phối nguồn vật liệu xây dựng (nguồn cát san lấp và đất đắp) đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Tin cùng chuyên mục