Sau khi triển khai ở bậc trung học, Sở GD-ĐT TP tiếp tục giới thiệu và nhân rộng mô hình này đến học sinh tiểu học nhằm tạo thêm điều kiện cho học sinh liên hệ lý thuyết trong sách vở với thực tế, khơi gợi đam mê và hứng thú học tập nơi các em.
Phát biểu tại lễ khởi động, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết với tiết học ngoài nhà trường, học sinh sẽ được nhìn tận mắt, sờ tận tay các mẫu vật chứ không chỉ tiếp thu kiến thức qua tranh ảnh, sách vở, qua đó giúp các em nhớ kiến thức lâu hơn, tăng tính sinh động, thực tế trong học tập.
Đại diện Sở GD-ĐT khẳng định, hình thức học tập này không đặt nặng yêu cầu kiểm tra, đánh giá kiến thức mà chủ yếu khơi gợi niềm say mê, hứng thú học tập, giúp học sinh có thêm cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu thế giới tự nhiên.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, hiện nay Sở GD-ĐT đã tổ chức hội đồng thẩm định nội dung chương trình tiết học ngoài nhà trường của đơn vị đầu tiên tổ chức là Thảo Cầm viên. Song, quá trình thực hiện cụ thể thế nào sẽ do các trường căn cứ tình hình thực tế trao đổi, bàn bạc thêm với đơn vị hợp tác để có phương án tổ chức phù hợp.
Song song đó, dựa trên mô hình tổ chức của Thảo Cầm viên, trường học có thể vận dụng linh hoạt tại những địa điểm học tập khác hoặc luân phiên tổ chức ở nhiều địa điểm trong cùng năm học để tăng thêm hứng thú, nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức cho học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường nghiên cứu, tổ chức linh hoạt 4 tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp trong mỗi tháng (theo quy định của Bộ GD-ĐT) để tổ chức tiết học ngoài nhà trường, có thể phân bổ vào thời gian học trái buổi, thứ bảy, chủ nhật hoặc tuần học linh động cuối mỗi học kỳ và cuối năm học. Việc tổ chức phải hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện đăng ký tham gia của phụ huynh và học sinh. Riêng việc di chuyển học sinh đến địa điểm tham quan học tập, các trường có thể thực hiện theo hình thức xã hội hóa, liên kết với các đơn vị vận tải hành khách công cộng để được hỗ trợ chi phí, ưu tiên giá vé cho học sinh.
Đảm bảo an toàn cho học sinh
Đánh giá về tiết học ngoài nhà trường, cô Nguyễn Thị Hồng Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1), cho biết khi bắt tay vào thực hiện, điều khiến các trường lo lắng là công tác chuẩn bị về hậu cần và đảm bảo sức khỏe cho học sinh: “Học sinh tiểu học chưa có khả năng tập trung cao trong thời gian dài. Do đó, thường xảy ra tình trạng các em hứng thú vào đầu buổi học nhưng giảm dần sự tập trung và chú ý ở các hoạt động sau.
Chưa kể, hoạt động học tập kết hợp tham quan, dã ngoại đòi hỏi di chuyển nhiều, nên nếu không chuẩn bị tốt về trang phục, nước uống sẽ ảnh hưởng sức khỏe học sinh”. Còn theo thầy Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, để hoạt động tổ chức có hiệu quả, cần chia học sinh ra nhiều nhóm nhỏ, tạo mọi điều kiện cho các em được sờ trực tiếp các loài động vật, cây cỏ để có cảm nhận thực tế, chứ không nên chỉ đứng ngoài nhìn và nghe hướng dẫn viên nói.
Ở góc độ khác, cô Võ Thị Lài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Ngọc Hân (huyện Nhà Bè), cho biết do thời gian và quãng đường đi lại khá xa nên các trường không tổ chức đi theo từng lớp mà thường tổ chức học sinh đi cả khối. Vì vậy, số lượng học sinh tham gia mỗi chuyến thường khá đông, đòi hỏi yêu cầu cao về an toàn trong tổ chức.
Đáp lại băn khoăn này, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng giáo viên đi theo giám sát học sinh không chỉ có vai trò giữ gìn trật tự, mà phải tham gia vào các hoạt động học, cùng phối hợp với nhân viên hướng dẫn tại điểm tham quan để triển khai nội dung bài giảng, tăng hiệu quả tiếp nhận cho học sinh.