Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng lãnh đạo UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, đồng chủ trì hội nghị.
Cùng quy hoạch phát triển đô thị ven sông Sài Gòn
Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm, trong quy hoạch phát triển giao thông đã phê duyệt, có 8 tuyến đường sắt kết nối vùng. Việc phát triển các tuyến đường sắt chưa thuận lợi do quy hoạch đường sắt chưa gắn với quy hoạch đô thị, giao thông đường bộ, công cộng.
Do đó, cần quan tâm rà soát quy hoạch đường sắt gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch nhà ga. Về chủ trương nghiên cứu kéo dài tuyến metro số 1 đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, hiện TPHCM và các tỉnh đã thống nhất về sự cần thiết đầu tư, phương án tuyến. Sở sẽ xem xét, tham mưu UBND TPHCM các phương án phối hợp, hỗ trợ và tham gia, góp vốn đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng, Tây Ninh và TPHCM đang nỗ lực để trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài trong tháng 7 hoặc tháng 8, sớm hơn dự kiến. Trong năm 2024, hai địa phương sẽ tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu năm 2025 khởi công dự án. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định quyết tâm cùng TPHCM hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất, qua đó tăng cường kết nối vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho hay, việc kết nối vùng đặc biệt là giao thông đã được các địa phương thảo luận nhiều lần và mang lại kết quả rõ nét. Thời gian tới, các địa phương cần phối hợp hơn nữa trong đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số để nâng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức cũng như nâng cao chất lượng nguồn lao động. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị các địa phương phối hợp trong quy hoạch phát triển đô thị sinh thái, đô thị cao cấp ven sông Sài Gòn để hình thành các khu công nghiệp, khu thương mại, nhà ở bổ trợ nhau.
Lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng
Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất về việc thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng (quỹ vùng) để có nguồn vốn triển khai các dự án mang tính liên kết vùng. Quỹ được hình thành từ vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương và các địa phương), nguồn xã hội hóa và các nguồn khác. Quỹ có nhiệm vụ đầu tư, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng; tài trợ cho các hoạt động quản lý, quản trị, nghiên cứu và nâng cao năng lực quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhận xét, việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương trong vùng. Đồng chí Trần Tuệ Hiền cũng đề nghị TPHCM áp dụng các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM để bổ sung cho quỹ và đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng, cũng như đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao.
Thống nhất với việc thành lập quỹ vùng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM, Sở GTVT TPHCM nghiên cứu cơ chế của Nghị quyết 98 để đề xuất. Trước mắt, có thể đề xuất cho các địa phương sử dụng ngân sách của mình góp vào quỹ này, cùng với nguồn vay quốc tế nhận tài trợ quốc tế, ngân sách trung ương, tài trợ của doanh nghiệp để phát triển hạ tầng giao thông.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Dẫn chứng tuyến metro số 1 và metro số 2 vay vốn của những quốc gia khác làm phân tán nguồn lực và thời gian kéo dài, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, khi tổ chức thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM sẽ đánh giá để thực hiện đồng bộ các tuyến còn lại của mạng lưới metro. Cụ thể, TPHCM sẽ xem việc thực hiện các tuyến còn lại cần bao nhiêu tiền sẽ vay tập trung để triển khai, gắn phát triển metro với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Đồng chí đề nghị việc thành lập và sử dụng quỹ vùng cũng nên tiếp cận như trên để phát triển các dự án giao thông vùng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thống nhất định hướng cần có hợp tác về y tế, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số giữa các tỉnh, mà trước tiên là thành lập CDC vùng. Trong đó, phân cấp từng lĩnh vực chuyên sâu cho các tỉnh, địa phương có thế mạnh về lĩnh vực nào thì xây dựng bệnh viện tuyến cuối ở địa phương đó. Cùng với đó là sự hợp tác giữa các sở y tế, các bệnh viện ở các địa phương, phối hợp và hỗ trợ nhau. Đồng chí đề nghị các địa phương trong vùng tập trung phối hợp thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ.