Vươn tầm thế giới
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 35 Bộ Công thương, gần 17 năm hình thành và phát triển, chương trình đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các DN, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong, ngoài nước. Điển hình, gần đây thứ hạng của THQG Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ; trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình THQG (Vietnam Value).
Cụ thể, theo tổ chức Brand Finance, THQG Việt Nam được định giá tăng 29% từ 247 tỷ USD năm 2019 lên 319 tỷ năm 2020, đồng thời tăng thêm 9 hạng, từ hạng 42 lên hạng 33 thế giới và Việt Nam được đánh giá là trường hợp thăng hạng nhanh trên thế giới.
Trong khi đó năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, trung bình 10 nước có giá trị thương hiệu hàng đầu thế giới đều bị sụt giảm, các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines cũng bị tụt hạng. Do đó, đây là một bệ phóng rất lớn để tăng hạng cho sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.
Ban chỉ đạo 35 Bộ Công thương khẳng định, sự nâng cao về năng lực cạnh tranh của DN dựa trên nhiều yếu tố, nhưng không thể không kể đến sự mở rộng về quy mô sản xuất, nhân công lao động, doanh thu liên tục tăng qua các năm… Theo số liệu báo cáo của 124 DN có sản phẩm đạt THQG trong kỳ xét chọn lần thứ 7-2020, tổng doanh thu năm 2019 của các DN này trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 ngàn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách Nhà nước trên 200 ngàn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471.000 lao động.
Thực tế cho thấy, những DN THQG như Vissan, Vinamilk, Cholimex, Điện Quang, NutiFood, Lộc Trời, Sunhouse, Việt Tiến, Thaco… suốt những năm qua không chỉ khẳng định được tên tuổi ở nội địa mà còn vươn xa ngoài lãnh thổ Việt. Các sản phẩm sữa tươi, sữa organic của Vinamilk đã xuất khẩu rộng rãi tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… hay Thaco đã từng bước ghi tên xe Việt trên bản đồ thế giới với việc xuất khẩu xe và linh kiện phụ tùng ô tô đi các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản…
Xây dựng định hướng chiến lược
Dù đạt được kết quả đáng khích lệ, song theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban Ban thư ký Chương trình THQG Việt Nam, việc tham gia vào các hiệp định như CPTPP, RCEP, EVFTA… mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới nhưng có không ít thách thức. Ông Phú cho rằng, để tận dụng tốt những cơ hội, trong bối cạnh sự cạnh tranh giữa quốc gia, giữa các DN ngày càng gay gắt, chúng ta cần nhìn nhận rõ hạn chế về phát triển THQG, thương hiệu DN, thương hiệu sản phẩm. Và DN phải nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ THQG Việt Nam. Bên cạnh đó, DN cần xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh của THQG một cách bài bản, dài hạn, đặc biệt trong kỷ nguyên số; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển khoa học và công nghệ.
Hiểu được những thách thức trong bối cảnh mới của DN, từ ngày 19 đến 25-4, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các cơ quan tổ chức Chương trình Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021. Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021 và Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2021 chủ đề: “Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Vị thế mới, giá trị mới” vào ngày 19-4 tại TPHCM.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021 được tổ chức theo hình thức hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) với các nội dung như: đối thoại giữa các DN với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế; xây dựng chương trình marketing và truyền thông thương hiệu DN đáp ứng tiêu chí Chương trình THQG Việt Nam; triển lãm sản phẩm THQG - trưng bày sản phẩm được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2020. Đồng thời, có những buổi hội thảo chuyên sâu về nâng cao năng lực thiết kế cho DN để giúp DN đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.