Ngày 28-7 tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Các đồng chí chủ trì hội thảo khoa học. Ảnh: VIỆT DŨNG Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: TS Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM. Đồng chủ trì hội thảo còn có PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM.
Hội thảo thu hút hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, một số địa phương; đại biểu quốc tế, các lãnh sự quán, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp... tham dự.
Cần huy động nguồn lực quốc tế
Các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cũng như khuyến nghị đề xuất về chủ trương, các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh và điều kiện mới...
Ở góc độ huy động nguồn lực quốc tế, TS Nguyễn Hương Huế, chuyên gia hỗ trợ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho rằng, Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Nguồn lực quốc tế là một trong những nguồn lực quan trọng, Việt Nam cần phải có giải pháp để huy động nguồn lực quốc tế này, bao gồm thu hút gồm nhân sự, tài chính, kỹ thuật, kỹ thuật, kinh nghiệm, công nghệ… từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
TS Nguyễn Hương Huế, chuyên gia hỗ trợ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cho rằng, Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Ảnh: VIỆT DŨNG Để làm được điều đó, Việt Nam cần tăng cường quảng bá; hỗ trợ đầu tư, các dự án chiến lược phải xuyên suốt, không chỉ cấp quốc gia mà phải cấp địa phương. Cùng với đó, cơ chế chính sách thu hút phải thuận lợi; các văn bản pháp luật, thủ tục hành chính phải rõ ràng, đồng bộ, nhanh gọn. Một trong những giải pháp quan trọng là công tác con người, không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ mà phải nâng cao đạo đức công vụ; tăng cường đối thoại trao đổi.
Bà Nguyễn Hương Huế cho rằng, hiện nay việc đối thoại trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài chưa thực sự cởi mở. Trước thực trạng đó, bà đề xuất tổ chức mỗi năm 1 phiên đối thoại, trao đổi với các nguồn lực quốc tế để các bên trao đổi thẳng thắn với nhau, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam.
PGS.TS Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, muốn đạt được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì con đường bắt buộc là phải dựa trên khoa học-công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo.
Bởi, chỉ có KH-CN và đổi mới sáng tạo mới giúp cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, đưa quốc gia đến với nền công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
PGS.TS Hoàng Minh nhấn mạnh, để phát triển thì con đường bắt buộc là phải dựa trên khoa học-công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo. Ảnh: VIỆT DŨNG Dẫn chứng một số kết quả nổi bật của nền kinh tế đất nước khi có sự tham gia của KH-CN, song PGS.TS Hoàng Minh cho rằng trên thực tiễn, KH-CN chưa thể hiện được vai trò động lực. Một trong những nguyên nhân là các chính sách thúc đẩy KH-CN và đổi mới sáng tạo còn bị hạn chế, nhất là hạn chế về chính sách đầu tư, tài chính, làm cản trở sự phát triển của KH-CN.
PGS.TS Hoàng Minh cho rằng tới đây, khi xây dựng các nghị quyết, chính sách thì cần chủ trương chấp nhận rủi ro, chấp nhận độ trễ, cho KH-CN đặc thù để phát triển và đóng góp cho phát triển cho xã hội. Cùng với đó, cần điều chỉnh định hướng phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo.
“Bên cạnh việc tiếp tục theo đuổi “đường biên” công nghệ là nắm bắt kịp thời công nghệ mới thì một nước đang phát triển như Việt Nam – quốc gia có nhiều mục tiêu phải ưu tiên, nguồn lực còn hạn chế - thì cần tập trung lựa chọn công nghệ và quản lý phù hợp. Cụ thể là lựa chọn công nghệ mà các quốc gia khác đã có để đưa nhanh vào nền kinh tế nước ta chứ không phải theo đuổi công nghệ quá cao, quá hiện đại”, PGS.TS Hoàng Minh góp ý.
Ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Tại TPHCM, GS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) tại TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam (KTTĐPN) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Tuy nhiên, tiến trình CNH, HĐH trong bối cảnh mới hiện nay đặt ra một số vấn đề về mô hình CNH, HĐH chưa được xác định rõ nét, chưa phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp ưu tiên và chưa tận dụng lợi thế về công nghệ và nguồn lực đầu tư nước ngoài để tạo tính lan tỏa, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển tương xứng.
GS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết, TPHCM ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất. Ảnh: VIỆT DŨNG Bên cạnh đó, phát triển TPHCM chưa thật sự bền vững trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Quá trình CNH chưa gắn chặt với HĐH, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Trong khi phải nhập khẩu nguyên liệu vật liệu từ nước ngoài, công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển, máy móc thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ vẫn là điểm nghẽn đang cản trở quá trình CNH, HĐH của TPHCM cũng như cả vùng. Một trong những vấn đề đặt ra là nguồn lực đầu tư để thực hiện CNH, HĐH đôi khi còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm…
Hiện nay, TPHCM đang trong tiến trình hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng theo hướng đồng bộ và hiện đại, kết nối cao với vùng KTTĐPN. Nhất là khép kín Vành đai 2, đẩy nhanh triển khai đường Vành đai 3, các tuyến Metro và đường sắt TPHCM – Cần Thơ.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG Ngoài ra, quan tâm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Đây là những nhân tố quan trọng, tạo bước đột phá có khả năng thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển theo hướng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng, nhờ đó đẩy mạnh việc nâng cao trình độ CNH, HĐH trên địa bàn TPHCM và vùng.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, TPHCM xác định hướng phát triển CNH, HĐH TPHCM giai đoạn 2021-2030. TPHCM ưu tiên nguồn lực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, trong đó chú trọng nguồn nhân lực khu vự tư nhân và toàn xã hội.
“Định hướng, chủ trương, chính sách CNH, HĐH trong giai đoạn 2030-2045 rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. CNH, HĐH gắn với quy hoạch đô thị, kinh tế tri thức trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặt trong kỷ nguyên số sẽ giúp kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Trao đổi về chủ trương thể chế, TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho rằng thể chế là vấn đề lớn, việc hoàn thiện hệ thống thể chế đòi hỏi phải có sự đồng bộ. Từ đó, ông cho rằng cần hoàn thiện luật và những quy định pháp lý liên quan đến huy động, sử dụng nguồn lực cho CNH, HĐH, gồm nguồn lực tự nhiên, thị trường lao động và nguồn lực tài chính. Cụ thể là cần sửa một số luật như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên, Luật Ngân sách nhà nước… Một trong những nội dung quan trọng liên quan đến cải cách và hoàn thiện thể chế đó là phải có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng để chính sách có thể liên thông được, đảm bảo có sự liên kết trong quá trình phát triển của các địa phương. |
THU HƯỜNG - VĂN MINH