Hiện nay, ở TPHCM, nơi tập trung đông đảo dân cư với sự đa dạng về xã hội, văn hóa, kinh tế, bài học về đoàn kết và sức mạnh quần chúng vẫn giữ nguyên giá trị, mang tính ứng dụng mạnh mẽ. Để xây dựng một cộng đồng phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế hay đối phó với các thách thức hiện tại, chúng ta có thể vận dụng bài học này theo nhiều cách.
Đó là tăng cường sự gắn kết cộng đồng và phát huy sức mạnh của quần chúng. TPHCM là một đô thị lớn, có sự phân hóa về nhiều mặt. Các vấn đề như ô nhiễm môi trường, nghèo đa chiều, bất bình đẳng xã hội, các bất cập về giao thông, giáo dục hay vấn đề sức khỏe cộng đồng đều cần sự đồng lòng của tất cả các tầng lớp trong xã hội để tham gia xử lý. Do đó, hệ thống chính trị thành phố nên tổ chức các phong trào cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc giải quyết các vấn đề này. Chẳng hạn, các phong trào bảo vệ môi trường, vận động tiết kiệm năng lượng, cải thiện giao thông công cộng hay giảm thiểu ô nhiễm có thể thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân. Trong đó, việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” hay các hoạt động về “Chung tay xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp” đều có thể phát huy hiệu quả mạnh mẽ nếu có sự tham gia rộng rãi của các cộng đồng dân cư và các nhóm xã hội khác nhau.
Đó là tập trung xây dựng, triển khai các chính sách phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Trong bối cảnh thành phố tồn tại nhiều vấn đề xã hội, chất lượng sống của người dân tuy được cải thiện đáng kể nhưng không đồng đều thì việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân dựa trên sự hiểu biết và phản hồi từ cộng đồng là rất cần thiết.
Đó là tiếp tục xây dựng tinh thần đoàn kết trong các nhóm dân cư khác nhau, đặc biệt là phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ nhau ngay trong chính cộng đồng dân cư. Trong bối cảnh khó khăn như cuộc chiến chống dịch Covid-19, TPHCM đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết yêu thương nhau. Bài học này có thể tiếp tục được áp dụng vào các cuộc khủng hoảng hay thử thách nghiêm trọng trong tương lai. Thành phố cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân hợp tác, cùng tìm ra các giải pháp hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp, thay vì chỉ trông đợi vào các giải pháp từ chính quyền.
Đó là khuyến khích sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội trong xây dựng thành phố phát triển bền vững. Để xây dựng TPHCM trở thành một đô thị thông minh, xanh, phát triển bền vững, là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cần có sự tham gia của cả cộng đồng trong việc sáng tạo và thực hiện các giải pháp phát triển. Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh phát triển xanh và thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, hoàn toàn phù hợp với định hướng về “kỷ nguyên vươn mình” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi mở. Để thực hiện có hiệu quả các vấn đề này, hệ thống chính trị thành phố nên tạo các kênh cho người dân tham gia, như các hội thảo cộng đồng, các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, các phong trào khởi nghiệp sáng tạo, để huy động sức mạnh từ chính cộng đồng dân cư trong việc giải quyết các vấn đề của thành phố.
Bài học về đoàn kết và sức mạnh quần chúng từ Khởi nghĩa Nam kỳ vẫn còn nguyên giá trị. Vận dụng bài học này trong các phong trào cộng đồng, chính sách phát triển và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân sẽ tạo nên một TPHCM mạnh mẽ, phát triển, đồng lòng để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.