Trung tá Hoàng Anh Khánh, Trưởng Công an xã Vĩnh Lộc B cho biết, dân số của xã hiện nay khoảng 140.000 người. Trong khi quân số của xã là 53 người, thực tế quản lý địa bàn còn thiếu khoảng 40 người. Hiện nay mỗi cảnh sát khu vực của xã quản lý dân số rất lớn, quá tải khi có cảnh sát khu vực phải quản lý trên 10.000 dân. Trong khi theo quy định thì mỗi cảnh sát khu vực quản lý trên dưới 2.000 người. Trong đợt dịch vừa qua, lực lượng công an xã đã rất nỗ lực, làm việc trên 200% để cùng với chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách, hỗ trợ chi trả các gói hỗ trợ. |
Ngày 23-11, Đoàn giám sát của HĐND TPHCM có buổi làm việc tại huyện Bình Chánh về việc triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 và một số chế độ chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trưởng đoàn giám sát Cao Thanh Bình (Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM) cho biết, huyện Bình Chánh có dân số đông (tỷ lệ người nhập cư trên 70%), địa bàn rộng lớn là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân trong các gói hỗ trợ. Đồng thời ghi nhận, đánh giá cán bộ địa phương đã rất trách nhiệm khi nhận thiếu sót, cam kết khắc phục trong việc tiếp nhận, xử lý tin phản ánh của người dân cũng như trong việc chi các gói hỗ trợ.
Trưởng đoàn giám sát Cao Thanh Bình làm việc với huyện Bình Chánh. Ảnh: VĂN MINH
Trưởng đoàn giám sát đề nghị Thường trực HĐND huyện Bình Chánh tiếp tục giám sát, hỗ trợ các xã để làm tốt hơn trong công tác phòng chống dịch Covid-19, triển khai chế độ chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn giám sát Cao Thanh Bình đề nghị địa phương tiếp tục rà soát, để kịp thời chi gói hỗ trợ đợt 3 cho những trường hợp thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục rà soát lại thật kỹ, tránh chi hỗ trợ trùng, không đúng. Những trường hợp đã chi nhầm, chi trùng, không đúng thì địa phương vận động sớm thu hồi để số tiền này chi đúng người cần hỗ trợ. “Những trường hợp người dân thuộc diện nhận hỗ trợ nhưng không may mất thì địa phương lập danh sách, để xin ý kiến TPHCM để có hướng xử lý hợp tình hợp lý”, ông Cao Thanh Bình cho biết.
Trước buổi làm việc, đoàn giám sát của HĐND TPHCM đã đi khảo sát thực tế, gặp gỡ một số người dân trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B để nắm tình hình về chi các gói hỗ trợ của Chính phủ và TPHCM. Đại diện đoàn giám sát lưu ý, sau khi đi thực tế gặp người dân, có trường hợp gọi điện phản ánh đến 11 lần nhưng địa phương không tiếp nhận giải quyết. Ngoài ra một số trường hợp trình bày khó khăn nhưng chưa nhận được hỗ trợ.
Ông Phạm Văn Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: VĂN MINH
Theo báo cáo từ huyện Bình Chánh, đến nay toàn huyện tiếp nhận 15.210 tin nhắn thắc mắc của người dân về chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, báo cáo với đoàn, ông Phạm Văn Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, trong quá trình thực hiện chi hỗ trợ đợt 3, do số lượng người thụ hưởng lớn, tiêu chí xác định “thật sự khó khăn” chưa được cụ thể dẫn đến việc có lúc, có nơi hiểu chưa đúng và đầy đủ, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến việc xác định và lập danh sách đối tượng được hỗ trợ chưa đúng và chưa đủ, phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
Do đó huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục rà soát người có hoàn cảnh thật sự khó khăn đợt 3 đã phê duyệt để tránh chi hỗ trợ trùng, không đúng đối tượng. Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, tổng số người có hoàn cảnh thật sự khó khăn đã được phê duyệt hỗ trợ là 802.283 người (số tiền hỗ trợ là 802.283.000.000 đồng). So với kinh phí đã cấp đợt 3 cho đối tượng hỗ trợ còn thiếu 472.283.000.000 đồng.
Đến nay, huyện đã triển khai tiêm mũi 1 là 551.832 người (đạt 100% dân số trên 18 tuổi thực tế cư trú trên địa bàn, đối với người trên 50 tuổi cơ bản đã tiêm phủ xong 2 mũi); tiêm mũi 2 là 483.650 người (chiếm tỷ lệ 99,3%). Số trẻ em từ 12 tuổi đến 17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 46.042/46.924 em (đạt 98%). Đồng thời, huyện tiếp tục tổ chức tiêm vaccine cho công nhân, người lao động quay lại làm việc tại huyện.
Đến nay, số F0 đang cách ly tại nhà là 7.426 trường hợp. Để quản lý F0 tại nhà, huyện đã chỉ đạo thành lập 30 trạm y tế lưu động tại 16 xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện đã kết nối với các bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thiết lập 16 đường dây nóng để hỗ trợ tư vấn hướng dẫn F0 cách ly tại nhà.
UBND các xã, thị trấn đã thành lập 98 tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng với 466 thành viên phối hợp với trạm y tế lưu động để theo dõi, quản lý F0 tại nhà. Đồng thời, phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tăng cường lực lượng bác sĩ, nhân viên y tế hỗ trợ thăm khám, hướng dẫn F0 tại nhà, trong trường hợp có triệu chứng thì kết nối với tổ phản ứng nhanh để cấp cứu, điều trị kịp thời.