Chưa tiếp cận chính sách BHXH
Mới đây, BHXH quận 1 (TPHCM) đã đến chợ Tân Định gặp gỡ các tiểu thương để tuyên truyền về chính sách pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Qua đó, vận động tiểu thương tự nguyện mua BHXH như một cách để đảm bảo tích lũy về sau.
Đây là một cách làm hay, cần nhân rộng để nhóm người lao động tự do hiểu rõ chính sách pháp luật BHXH, tự nguyện tham gia mua BHXH. Thực tế hiện nay nhiều người lao động tự do vẫn chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận, hiểu đầy đủ về các chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước về loại hình BHXH.
Nhiều lao động tự do vẫn nghĩ chỉ có những người làm trong các cơ quan, doanh nghiệp, có ký kết hợp đồng lao động mới tham gia BHXH.
Trong khi, người lao động tự do chính là nhóm người cần thiết tham gia BHXH, nhằm tích lũy và có được thu nhập từ tiền lương hưu khi đã hết tuổi lao động hoặc khi bản thân không còn đủ sức để có thể tiếp tục lao động kiếm tiền.
Thực tế có những chính sách, những quy định của Nhà nước tuy mang tính nhân văn, có lợi cho người dân, người lao động tự do tham gia, đảm bảo an sinh về sau, nhưng nếu thủ tục hành chính rườm rà, giấy tờ phức tạp và rối rắm, mất nhiều thời gian công sức, không thuận tiện khi thực hiện, thì vẫn khó thu hút người dân tham gia.
Người lao động tự do, tiểu thương buôn bán ở chợ thu nhập không ổn định, là lao động thời vụ, do đó họ phải cân nhắc việc mua BHXH, vì hiện nay quy định thời gian tham gia mua BHXH hộ gia đình quá dài, tương đương với người tham gia BHXH bắt buộc, phải đủ 20 năm sau khi tham gia BHXH hộ gia đình mới được hưởng chế độ lương hưu khi đã hết tuổi lao động (Hiện tại nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Đó là chưa kể, hiện nay đa số người lao động tự do, tiểu thương đang làm ăn, buôn bán ở các chợ là người lớn tuổi.
Đảm bảo an sinh xã hội
Từ khi thực hiện Luật BHXH năm 2014, chính sách và các quy định về loại hình BHXH hộ gia đình đã dần đi vào cuộc sống. Việc tự nguyện tham gia chính sách BHXH giúp người lao động có được một khoản thu nhập hàng tháng từ lương hưu, có thể trang trải cuộc sống. Thế nhưng, số lượng người đăng ký tham gia mua BHXH trong nhóm người lao động tự do vẫn còn quá thấp, thậm chí một số tỉnh/thành có chiều hướng giảm số người tự nguyện tham gia mua BHXH vì nhiều lý do.
Mục tiêu Chính phủ đề ra là phát triển đối tượng tự nguyện mua BHXH đến năm 2021 đạt 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia, tương ứng với 600.000 người; đến năm 2025 tỷ lệ này là 2,5%, tương ứng với 1,5 triệu người. Qua đó cũng sẽ nâng dần con số này đến năm 2030 đạt khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi tự nguyện tham gia BHXH, tương ứng hơn 3 triệu người.
Để đạt được mục tiêu này vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Ngoài việc tiếp tục vận động, tuyên truyền để người lao động tự do được tiếp cận chính sách BHXH, cần phải hoàn thiện hơn nữa chính sách BHXH hộ gia đình.
Cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính để làm sao thuận lợi nhất cho người dân, người lao động tự do khi tự nguyện tham gia BHXH. Thủ tục càng đơn giản, càng ít giấy tờ, càng ít mất thời gian công sức, thì chắc chắn sẽ càng thu hút lượng người tham gia, đảm bảo mục tiêu chính sách của Chính phủ đề ra, đảm bảo ý nghĩa cuối cùng của chính sách BHXH là an sinh xã hội.
BHXH cũng cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH hộ gia đình phù hợp hơn với thực tế cuộc sống. Người tham gia chính sách BHXH hộ gia đình cần được đối xử và hưởng các chế độ, chính sách bình đẳng với những đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khác.
Ngoài hưởng chế độ lương hưu nếu tham gia đủ thời gian bắt buộc theo quy định, thì người tự nguyện tham gia BHXH cũng cần được hưởng các chế độ, chính sách khác như chế độ ốm đau, thai sản, trong đó có chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bởi lẽ đây là những đối tượng có nhiều nguy cơ gặp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, ốm đau.