Hiệu quả xử phạt không cao
“Tình trạng ô nhiễm môi trường ở huyện Bình Chánh diễn biến phức tạp nhưng giải pháp xử lý vi phạm chưa mang lại hiệu quả cao”, bà Hồ Ngọc Hiếu, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Bình Chánh (TPHCM) phản hồi về bài viết “Báo động ô nhiễm môi trường tại huyện Bình Chánh”, đăng trên Báo SGGP số ra ngày 5-3.
Theo bà Hồ Ngọc Hiếu, từ tháng 7-2018 đến nay, huyện đã phối hợp với các cơ quan liên ngành kiểm tra 65 cơ sở giặt, nhuộm tại 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, 2 xã có số lượng cơ sở sản xuất nhiều nhất huyện. Qua đó, đình chỉ hoạt động để di dời 2 cơ sở, tạm ngưng hoạt động 9 cơ sở, xử phạt 37 trường hợp vi phạm (huyện xử phạt 11 cơ sở, còn lại do Sở TN-MT thực hiện) với tổng số tiền hơn 9,5 tỷ đồng. Phòng TN-MT huyện cũng phối hợp chính quyền các xã xử lý, di dời 306/550 cơ sở kinh doanh - tái chế phế liệu. Tuy việc kiểm tra, xử lý được thực hiện quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên do, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện hành không quy định cụ thể hình thức cưỡng chế (trong khi quy định cũ cho phép cưỡng chế bằng cách ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ liên quan) đối với trường hợp cố tình gây ô nhiễm, không khắc phục hậu quả.
Trước đó, Báo SGGP phản ánh trên địa bàn huyện Bình Chánh tồn tại hàng trăm cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trong đó nhiều cơ sở bị xử phạt vẫn tái phạm. Thậm chí có cơ sở bị niêm phong máy móc - thiết bị, nhưng sau đó đã tự ý tháo niêm, hoạt động trở lại.
“Mượn” quy định khác xử phạt
Hiện nay, huyện Bình Chánh là địa bàn có tình trạng ô nhiễm môi trường khá phức tạp, nhất là các cơ sở dệt, tẩy quần áo, tái chế chất thải… Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhận xét một số cơ sở giặt, sấy, nhuộm ở huyện Bình Chánh hàng ngày thải ra rất nhiều vải vụn thuộc diện chất thải nguy hại. Các cơ sở này không xử lý theo quy định mà đem đốt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các khu dân cư. UBND huyện Bình Chánh đã phối hợp với Sở TN-MT và Công an TPHCM kiểm tra nhiều cơ sở, nhất là ở 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Các vi phạm được ghi nhận là không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; xả khí thải, nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép… Qua đó, Sở TN-MT đã kiến nghị và UBND TPHCM ra quyết định xử phạt nhiều trường hợp.
Sở TN-MT cũng phối hợp niêm phong máy móc, đình chỉ hoạt động đối với nhiều cơ sở. Tuy vậy, một số cơ sở không phối hợp, gây khó khăn trong việc đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, nhiều cơ sở vi phạm còn thay đổi pháp nhân, không nộp tiền phạt… Bà Hồ Ngọc Hiếu cũng thừa nhận các bất cập trên và cho biết huyện đã kiến nghị UBND TPHCM cùng các cơ quan liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục cưỡng chế khắc phục hậu quả và nghiên cứu, bổ sung biện pháp cưỡng chế khác như cắt điện, cắt nước đối với các cơ sở gây ô nhiễm. Về phía địa phương, thời gian tới, Phòng TN-MT huyện Bình Chánh sẽ phối hợp với các xã rà soát, xử lý các cơ sở hình thành, hoạt động trên đất nông nghiệp, xây dựng trái phép; vận động các chủ đất là người địa phương, đảng viên không cho thuê đất nông nghiệp để sản xuất, sử dụng sai mục đích, khuyến khích các cơ sở di dời vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 hoạt động.
Một lãnh đạo Thanh tra Sở TN-MT TPHCM cho biết đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành cùng tham gia xử lý. Chẳng hạn, Sở KH-ĐT xem xét không cấp mới giấy phép đăng ký kinh doanh tại địa điểm đã bị xử phạt mà chưa chấp hành xong hình phạt, chưa khắc phục hậu quả; đồng thời không cấp mới tại địa điểm không phù hợp với quy hoạch. Ngoài ra, do phần lớn cơ sở sản xuất ở huyện Bình Chánh không phù hợp với quy hoạch và xây dựng trái phép nên địa phương cần xử lý nghiêm đối với các hành vi này.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Sở KH-ĐT, UBND huyện Bình Chánh rà soát, tham mưu UBND TP xem xét, xử lý đối với các trường hợp không chấp hành biện pháp đình chỉ hoạt động trên địa bàn huyện Bình Chánh, nhằm đảm bảo việc chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP đã có hiệu lực. |