Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp…
Tăng chi phí sản xuất
Tại hội thảo, PGS.TS. Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ công bố kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu về giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu kép của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Nghiên cứu thực hiện từ ngày 1-10 đến ngày 15-10 với các doanh nghiệp và hiệp hội tại TPHCM, phản ánh các vấn đề cơ bản trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, phát triển. Các vấn đề cơ bản nổi lên từ thực tiễn cung cấp bằng chứng cho các khuyến nghị chính sách và giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và TPHCM cũng như các địa phương.
Đánh giá tính khả thi của các tiêu chí trong Bộ tiêu chí an toàn sản xuất tại doanh nghiệp, PGS.TS. Lê Thanh Sang cho hay, bên cạnh các tiêu chí có tính khả thi cao, một số tiêu chí được doanh nghiệp đánh giá có tính khả thi thấp hơn. Cụ thể là các vấn đề: xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc và tất cả người lao động tham gia sản xuất đạt điều kiện; mật độ 4m2/người lao động và khoảng cách 2m/người lao động tại nơi làm việc; có hợp đồng với đơn vị y tế hoặc nhân lực y tế chuyên trách; và đặc biệt là mô hình “3 tại chỗ”; kiểm soát lưu thông và nơi lưu trú của người lao động.
PGS.TS. Lê Thanh Sang nêu rõ, các yêu cầu trên làm tăng chi phí sản xuất quá mức như mô hình “3 tại chỗ” và xét nghiệm; các quy định an toàn quá mức khi người lao động đã tiêm vaccine theo quy định mà vẫn phải xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc, hoặc yêu cầu khó đáp ứng trên thực tế như mật độ và khoảng cách nơi làm việc. Thậm chí, có yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp như tình trạng di chuyển và lưu trú của người lao động. |
“Các vấn đề trên cũng phản ảnh cách tiếp cận an toàn nhưng ít chú trọng đến tính hiệu quả của sản xuất và các điều kiện thực tế khi áp dụng Bộ tiêu chí”, PGS.TS. Lê Thanh Sang đánh giá.
Đánh giá tính hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương theo tinh thần của Nghị quyết 105/NQ-CP, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thông tin, nhóm hỗ trợ về tài chính và hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động được đa số các doanh nghiệp đánh giá có mức hiệu quả.
Tuy nhiên, các sự hỗ trợ về sinh phẩm và quản lý dịch bệnh như nhập khẩu vaccine, thiết bị xét nghiệm, tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh và nhóm hỗ trợ chuỗi cung ứng thì chưa đạt hiệu quả cao.
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp
Đề cập đến kế hoạch phục hồi sản xuất và các khó khăn của doanh nghiệp, PGS.TS. Lê Thanh Sang thông tin, có 44% và 29% số doanh nghiệp có kế hoạch phục hồi toàn bộ và phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, 31% số doanh nghiệp chỉ phục hồi một phần và 24% chưa xác định thời gian phục hồi sản xuất cụ thể.
Tính bình quân, chỉ 16,2% số doanh nghiệp ít khó khăn, 37,7% có khó khăn và 46,1% rất khó khăn. Các khó khăn này trải rộng từ các vấn đề liên quan đến quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống dịch đến các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, nguyên liệu, chuỗi cung ứng, đến các điều kiện tổ chức sản xuất, và thị trường tiêu thụ. “Vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với doanh nghiệp là chi phí sản xuất tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trở ngại trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và thiếu hụt nguồn lao động”, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đúc kết.
Để thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu kép, các doanh nghiệp kiến nghị công bố rõ ràng chính sách phục hồi, xác định điều kiện, tiêu chí mở cửa thống nhất theo lộ trình từ các bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp chủ động ứng phó. Đồng thời, cần đơn giản hóa quy trình vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan chức năng công bố rõ ràng và nhất quán về chính sách “Thẻ xanh Covid” và di chuyển lao động liên tỉnh. Cùng với đó là phải đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính; tiếp tục giãn nợ tới hạn và cung cấp nguồn vay đủ lớn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất.
PGS.TS Lê Thanh Sang nhấn mạnh, kiến nghị xuyên suốt là trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan, là cần xem doanh nghiệp là một đối tác đầy đủ và trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành công tác phòng chống dịch phù hợp với đặc thù ngành nghề. Cần đứng ở góc độ của doanh nghiệp khi ra các quyết sách quản lý, kể cả quản lý phòng chống dịch bệnh Covid 19. Cần đặt niềm tin vào doanh nghiệp, trao cho doanh nghiệp quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm.
“Chiến lược, chiến thuật chống dịch cần lấy người lao động là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, y tế hướng dẫn, và chính quyền hỗ trợ. Mặt khác, cần tham vấn ý kiến của doanh nghiệp trước khi ra các quyết định và doanh nghiệp cần được thông báo trước khi các quyết định có hiệu lực thi hành để chủ động chuẩn bị, tránh bị động ứng phó”, PGS.TS. Lê Thanh Sang nói. |
Theo Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, các kiến nghị trên có quan hệ chặt chẽ với những vấn đề doanh nghiệp đang phải thụ động ứng phó với tình thế khó khăn. Do vậy, cải thiện năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nâng cao vai trò tích cực, trách nhiệm của doanh nghiệp là các yếu tố quan trọng nhất cần được quan tâm.
* TS. TRẦN VĂN KHUYÊN, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn: Vaccine rất quan trọng, nhưng bền vững là điều kiện sống |