Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), là đòn mới giáng vào chủ nghĩa đa phương và cả các đồng minh châu Âu.
Ngày 10-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) có thể không còn cần dựa vào sự bảo vệ của Mỹ, đồng thời kêu gọi khối này tự quyết định số phận của mình.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani nhất trí hợp tác hướng tới việc tiếp tục thực thi JCPOA
Mỹ và đồng minh hù dọa
Tổng thống Donald Trump còn cảnh báo Iran sẽ đối mặt với những hậu quả rất nghiêm trọng nếu nước này tái khởi động chương trình hạt nhân. Lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ngày 9-5, cảnh báo Tehran có thể nối lại hoạt động làm giàu uranium “không giới hạn”, nhưng chưa làm vào thời điểm này. Trong khi các cường quốc khác trên thế giới cam kết vẫn ủng hộ JCPOA, Saudi Arabia tuyên bố có thể tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân nếu Iran có động thái tương tự. Trả lời phỏng vấn kênh CNN ngày 9-5, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir khẳng định nếu Iran sở hữu năng lực hạt nhân, Saudi Arabia sẽ làm mọi cách để đạt được điều tương tự. Ngay sau cảnh báo của Tổng thống Mỹ và đe dọa của Saudi Arabia, ngày 10-5, Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Hossein Salami, cho rằng châu Âu không thể hành động độc lập về thỏa thuận hạt nhân, những quốc gia chống lại Iran đang muốn gây sức ép đối với nước này bằng cách cô lập kinh tế, đồng thời nhấn mạnh “phản kháng là cách duy nhất đối mặt với kẻ thù, không phải ngoại giao”. Châu Âu cứu vãn chủ nghĩa đa phương Một ngày sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố châu Âu hiện đóng vai trò là “nhà bảo đảm” cho trật tự đa phương. Tổng thống Macron cho rằng sở dĩ châu Âu quyết định vẫn theo đuổi thỏa thuận hạt nhân Iran vì JCPOA sẽ giúp châu Âu ngăn chặn Iran tái khởi động ngay lập tức các hoạt động hạt nhân, đồng thời tránh gây căng thẳng leo thang trong khu vực. Ông Macron nhấn mạnh, duy trì sự ổn định và hòa bình ở khu vực Trung Đông và Trung cận Đông là điều quan trọng nhất. Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình quốc gia ARD và Deutsche Welle của Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết châu Âu hiện đang đứng trước thời điểm mang tính lịch sử, gánh vác trách nhiệm “bảo đảm” cho một trật tự đa phương từng được thiết lập hồi cuối Thế chiến 2 nhưng nay bị lay chuyển. Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng trong ngày 10-5, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố Ngoại trưởng nước này Javad Zarif đã nhất trí với những người đồng cấp Anh và Pháp về việc tổ chức các cuộc họp cấp bộ trưởng và chuyên gia liên quan đến JCPOA. Trước quyết định về JCPOA, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hồi năm ngoái cũng như đòi áp thuế trừng phạt đối với mặt hàng nhôm, thép mà Mỹ nhập từ các nước khác, trong đó có các nước đồng minh của Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại rằng những hành động này của Mỹ gây tổn hại tới trật tự hợp tác bấy lâu nay. Do vậy, theo giới phân tích, hạt nhân, tên lửa và các mối đe dọa khác của Iran là có thật đến mức Mỹ không thể đơn giản chấm dứt sự ủng hộ của mình đối với JCPOA mà không tính đến phí tổn và lợi ích sau đó. Điều này cũng có thể khiến các đồng minh then chốt xa lánh. Câu hỏi thực sự là Tổng thống Donald Trump có thể đạt được thỏa hiệp gì trong bối cảnh mà theo một số cố vấn, những động thái này sẽ dẫn tới biến động đáng kể trong quan hệ của Mỹ với các đồng minh then chốt, chưa kể tới các thách thức kinh tế và an ninh.
HẠNH CHI (tổng hợp)