Sáng nay 29-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Ưu tiên cho dự án chống biến đổi khí hậu
Đồng tình với báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội là tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển nghiêm trọng, nhất là ở ĐBSCL, ngập, úng tại một số thành phố lớn chậm được cải thiện, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, bất cập là do các bộ, ngành.
Cụ thể, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP (về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu), các bộ, ngành chưa tham mưu được chương trình hành động; việc giao, phân bổ vốn chậm.
“Từ khi có chủ trương từ năm 2016 đến nay mới có phân bổ vốn và 2 năm tới liệu có hoàn thành việc đầu tư các dự án trong giai đoạn 2016-2020?”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện quyết liệt Nghị quyết 120.
ĐB Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng đồng tình và nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của kinh tế đất nước, đến cuộc sống của người dân. Do vậy, trong sử dụng ngân sách dự phòng cần ưu tiên dành cho các dự án liên quan đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục thiên tai, sạt lở bờ sông, biển. Chính phủ cần rà soát các dự án trong danh mục đầu tư công để có sự điều chỉnh.
Cần có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng đến nay khó khăn, thách thức trong đầu tư công hiện nay vẫn là dàn trải – một nguyên nhân quen thuộc.
Tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 là 2 triệu tỷ đồng với 9.620 dự án nhưng tại địa phương vẫn còn nhiều dự án dang dở. Việc phân bổ vốn cũng có hạn chế khi việc giao dự án theo phương pháp là mỗi địa phương có 1 dự án.
Kinh nghiệm đầu tư công của các nước trên thế giới là Nhà nước đầu tư vào các dự án có tính lan tỏa, tác động lớn. Việc phân bổ vốn công bằng nhưng không có nghĩa là cào bằng, cần có trật tự ưu tiên vào từng thời điểm.
Về giải pháp, theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, cần cương quyết thay đổi phân bổ nguồn lực; đầu tư những dự án có liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, tránh nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng thiếu lớn lan tỏa vùng miền; Nhà nước chỉ đầu tư ở các ngành, lĩnh vực doanh nghiệp không đầu tư, không muốn đầu tư và không được phép đầu tư.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, số dự án hoàn thành lớn: 1.789 và dự kiến đến hết năm 2018 là khoảng 6.900 dự án.
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Chính phủ cần phải có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư nên chưa thể biết đâu là dự án có hiệu quả cao - thấp hay chưa hiệu quả. Nghị quyết của Quốc hội về tài chính 5 năm yêu cầu đánh giá đầu tư theo kết quả đầu ra nhưng thực tế, việc thực hiện khó khăn.
“Khâu phân bổ đã được thực hiện, nhưng khâu đánh giá dự án chưa được quan tâm. Chúng ta đang thiếu vắng quy định đánh giá hiệu quả đầu ra”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói và kiến nghị giải pháp là hoàn chỉnh bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu ra dự án theo thông lệ quốc tế; lựa chọn dự án có đầu ra tương xứng với mục tiêu đầu tư; tăng trách nhiệm giải trình nhằm làm rõ bất cập khó khăn.
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng cho rằng, việc phân bổ các dự án còn lại cho 2 năm tới vẫn dàn trải, kém hiệu quả, vốn bố trí thiếu… Điều này sẽ làm cho tăng xin – cho, dự án chậm tiến độ, dàn trải, vi phạm luật.
Do vậy, cần phải tuân thủ nguyên tắc chỉ phân vốn dự án khi cân đối được nguồn. Nếu vẫn giữ nguyên tắc phân bổ vốn cho dự án mà Chính phủ trình ra Quốc hội thì phương án 1 là Chính phủ cần rà soát các dự án không giải ngân hết để bù cho các dự án đang triển khai mà thiếu nguồn, chấp nhận một số dự án dang dở.
Giải pháp 2 là Chính phủ cân đối thêm nguồn bằng cách trình Quốc hội nguồn từ tăng thu, sử dụng nguồn từ thoái vốn đang để tại Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Chia sẻ với Chính phủ, các bộ, ngành về nhiều ý kiến ĐB nói chống dàn trải đầu tư công nhưng vẫn xin đầu tư cho địa phương mình, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng thời đồng tình với ý kiến ĐB Vũ Thị Lưu Mai về việc cần có tiêu chí xác định tính hiệu quả của dự án, trách nhiệm của doanh nghiệp và địa phương khi để dự án thua lỗ.
Nếu làm được như vậy mới xử lý đúng trách nhiệm người có liên quan; ngăn thất thoát, lãng phí như thời gian qua. Dẫn con số 72 dự án với tổng vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng có dấu hiệu kém hiệu quả mà Bộ KH-ĐT công bố, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm tại những dự án sử dụng vốn đầu tư công, từ đó rút kinh nghiệm, cảnh báo, răn đe.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), hiện nay, nghịch cảnh trong đầu tư công vẫn xảy như: dàn trải, giải ngân chậm, phân bổ cho dự án không cần tiết. Những vấn đề Chính phủ cần khắc phục sớm là tiêu chí lựa chọn dự án, xếp thứ tự ưu tiên vì kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công hiện chưa rõ do hiện nay Chính phủ mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc lĩnh vực ưu tiên đầu tư mà chưa có tiêu chí dự án được ưu tiên.
Nếu có tiêu chí này thì sẽ không còn tình trạng phân bổ vốn tràn lan, dự án không có khả năng giải ngân và không có tranh luận về sự cần thiết của những dự án như xây dựng Nhà hát ở Thủ Thiêm. Bên cạnh đó là quy định rõ trách nhiệm khi dự án xảy ra thất thoát, lãng phí; công khai hồ sơ dự án để người dân có thể giám sát.