Vẫn công khai bán hàng giả, hàng nhái

“Ở đây toàn bán hàng nhái cao cấp thôi, không có hàng thật”, đó là khẳng định của một tiểu thương tại Trung tâm thương mại Saigon Square (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM). 

Nhìn đâu cũng thấy... hàng nhái

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, chúng tôi ghé vào một gian hàng chuyên kinh doanh túi xách thời trang dành cho nữ để tìm quà tặng. Đập ngay vào mắt là những bộ sưu tập mới nhất của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Chanel, Dior, Burberry…

Xách thử chiếc túi Dior trên tay, chúng tôi được nhân viên bán hàng mời chào: “Túi này có giá 2,7 triệu đồng, ngoài màu xanh này, em có 2 màu nữa là xám và đen, đây là những mẫu đang thịnh hành nếu hài lòng thì em bớt thêm”. 

Thấy chúng tôi lo ngại về chất lượng sản phẩm, nhân viên này tiếp lời: “Đây là hàng nhái, chứ giá này đâu có hàng thật được. Tuy là hàng nhái nhưng hình thức và chất lượng giống y hàng thật”. Qua quan sát, chiếc túi xách được làm nhái rất tinh xảo từ bề mặt da, dây kéo đến đường chỉ may. Cửa hàng này còn trưng bày cả một dàn túi nhái nhiều thương hiệu nổi tiếng. 

Không chỉ túi xách, mà nhiều mặt hàng khác như phụ kiện thời trang, giày dép, quần áo, nón, mắt kính, đồng hồ... cũng toàn là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu. Thậm chí, nhiều sản phẩm còn có hộp, thẻ bảo hành, mã vạch giống hệt các sản phẩm chính hãng. 

Tại gian hàng bán phụ kiện thời trang, một nhân viên giới thiệu, tư vấn các sản phẩm có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng: “Đây là thắt lưng hiệu Gucci, giá 1,8 triệu đồng, hàng cao cấp loại 1”. Rảo qua gian hàng bán đồng hồ, tại đây cũng trưng bày hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Rolex, Omega, Hublot… nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, tất cả sản phẩm đều là hàng nhái.

Một nhân viên chỉ vào chiếc đồng hồ hiệu Rolex nói: “Chiếc này giá 20 triệu đồng, nếu anh chị đồng ý mua thì em giảm còn 19 triệu. Còn bên kia là chiếc Omega mẫu mới nhất, cũng có giá 20 triệu đồng, thời gian bảo hành 3 năm”. Khi chúng tôi hỏi về chế độ bảo hành tại các cửa hàng ủy quyền tại Việt Nam, thì nhân viên này xua tay: “Đây là hàng loại 1, chỉ bảo hành tại cửa hàng này thôi.

Vẫn công khai bán hàng giả, hàng nhái ảnh 1 Hàng giả, hàng nhái bán công khai tại Trung tâm thương mại Saigon Square, quận 1, TPHCM. Ảnh: BÙI TUẤN

Sau thời gian dài ảnh hưởng do dịch Covid-19, tình hình kinh doanh bán lẻ tại Trung tâm thương mại Saigon Square đã dần hồi phục, trở lại bình thường. Mỗi ngày, Saigon Square thu hút hàng ngàn lượt khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, mua sắm.

Tuy nhiên, nhiều năm qua trung tâm này lại là nơi tập trung kinh doanh hàng giả, hàng nhái các thương hiệu một cách công khai. Chị Choo, một du khách người Hàn Quốc, băn khoăn: “Ở đây bán nhiều sản phẩm nhưng nếu muốn mua thì cần cân nhắc, vì toàn hàng hiệu dỏm, tôi ngại lắm”.

Buông lỏng quản lý, giám sát

Báo chí đã nhiều lần phản ánh về việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng ở Saigon Square; lực lượng chức năng cũng đã nhiều lần tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý nhưng tình hình vẫn không mấy cải thiện, có tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.

Thậm chí, đầu năm 2021, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiến nghị lên UBND TPHCM đề nghị đóng cửa Trung tâm thương mại Saigon Square, vì nơi này kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng đến nay, trung tâm này vẫn hoạt động tấp nập, sầm uất nhất nhì khu vực trung tâm.

Theo Công ty Luật TNHH VINA.IP, đại diện các thương hiệu nổi tiếng của châu Âu như Louis Vuitton, Chanel, Hermes, Valentino, Rolex, Patek Philippe, Burberry..., trước đây, khi lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý tại Trung tâm thương mại Saigon Square và chợ Bến Thành đã phần nào làm giảm và ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái. Cụ thể, năm 2018, ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý 139 vụ liên quan đến hàng giả, hàng nhái; năm 2019 là 150 vụ; năm 2020 là 34 vụ; tuy nhiên từ đầu năm 2021 đến nay lại không có vụ kiểm tra, xử lý nào.

Vẫn công khai bán hàng giả, hàng nhái ảnh 2 Du khách nước ngoài mua sắm tại Trung tâm thương mại Saigon Square

Luật sư Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Luật TNHH VINA.IP, cho rằng, hiện nay cơ chế xử phạt nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Bên cạnh đó, có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã khiến cho tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng nghiêm trọng hơn. Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương, trong đó vấn đề thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề được đặt lên ưu tiên hàng đầu.

“Gần đây nhất chúng ta có Hiệp định thương mại tự do liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, đây là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội phát triển thương mại mới giữa Việt Nam và EU, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường toàn cầu. Vấn đề sở hữu trí tuệ được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA và Chương 12 của hiệp định này quy định rõ về sở hữu trí tuệ với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ. Việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái công khai ngay giữa trung tâm TPHCM đang chứng tỏ Việt Nam không thực hiện nghiêm túc cam kết với quốc tế”, luật sư Nguyễn Thị Hương chia sẻ.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ tháng 8-2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ: Người vi phạm có thể bị phạt từ 2 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật. Tùy từng hành vi mà người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù đến 15 năm.

Tin cùng chuyên mục