Tuy nhiên, theo phản ánh từ người tiêu dùng cũng như đánh giá từ cơ quan chuyên môn, trong năm 2017, nhất là trong những tháng cận Tết, vẫn còn tình trạng nhà đầu tư “găm hàng, trì hoãn giao dịch” để chờ tăng giá cho những năm sau.
Báo cáo của đơn vị khảo sát thị trường gần đây cho thấy, trong năm 2017 thị trường bất động sản có chiều hướng tích cực hơn trong năm 2016. Tính thanh khoản nhanh cũng chỉ dừng lại ở một số dự án có vị trí đẹp, giá cả phù hợp, phương thức thanh toán linh hoạt. Còn trên thực tế, phần lớn ở phân khúc căn hộ nói chung, vẫn không có “cú hích” gì đáng kể để tăng tầng suất giao dịch. Nguồn cung không tăng có nhiều lý do. Giám đốc một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản cho biết, đó là do tình trạng một số dự án đang vướng thủ tục vay, hay thủ tục ngân hàng “bảo lãnh” không diễn ra suôn sẻ… Bên cạnh đó, không loại trừ nhiều dự án căn hộ tung ra thị trường nhưng không có tính thanh khoản nhanh vì vị trí không phù hợp thì chất lượng xây dựng, nội thất không hấp dẫn, phương thức thanh toán không ưu đãi người mua… Cùng với đó, lượng căn hộ tồn trong những năm trước còn nhiều, đã khiến người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn. Theo một báo cáo gần đây của CBRE, quý 4-2017 thị trường đón nhận thêm 8.559 căn hộ, tăng 12% theo quý, đưa tổng nguồn cung cả năm và tổng nguồn cung lũy kế lần lượt là 31.106 căn và 228.903 căn. Tuy nhiên, so với năm 2016, tổng nguồn cung năm 2017 đã giảm 18%.
Đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành cũng nhận định, trong năm 2017 thị trường căn hộ có ổn định nhưng trong tổng số nguồn cung giảm so với năm 2016 là có nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là có không ít chủ đầu tư lớn đã trì hoãn việc giao dịch căn hộ, họ đã “găm hàng” lại để chào bán sang những năm sau thay vì đưa ra thị trường trong năm 2017. Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, sở dĩ nguồn cung căn hộ tại TPHCM suy giảm so với cùng kỳ là do các chủ đầu tư trì hoãn việc mở bán vì lo ngại nguồn cung trên thị trường đang quá dồi dào làm ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ hấp thụ.
Mặt khác, với một số chủ đầu tư không gặp sức ép lớn về việc thu hồi nguồn vốn nên sẽ chỉ mở bán nhỏ giọt, chờ thời cơ hợp lý để đẩy hàng ra nhằm thu lợi nhuận cao hơn. Có những chủ đầu tư mặc dù đạt tỷ lệ hấp thụ đến trên 85% sau đợt chào bán đầu tiên nhưng vẫn không tiếp tục mở bán và viện dẫn nhiều lý “khách quan”, tạo sự khan hiếm với khách hàng, dù biết rằng trước sau gì cũng phải đẩy hết số hàng còn lại. Đánh giá về tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, việc nguồn cung giảm so với năm trước đã tạo điều kiện cho thị trường hấp thụ hàng “tồn kho” từ những năm trước. Tuy nhiên, với thực trạng “trì hoãn giao dịch” ở một góc độ nào đó làm “biến tướng” thị trường, gây khó cho người mua căn hộ khi họ có nhu cầu thật và thời điểm họ có dòng tiền phù hợp để mua nhà. Việc găm hàng, trì hoãn giao dịch căn hộ sẽ góp phần làm “xấu xí” thị trường bất động sản trong nước khi nhiều năm qua chúng ta từng bước thanh lọc, chống đầu cơ…
Dự đoán trong năm 2018, sản phẩm trung cấp tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với một lượng vừa phải của phân khúc cao cấp và hạng sang được giới thiệu. Giá bán cũng được kỳ vọng sẽ tăng trung bình là 3%, trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang tăng 5%, phân khúc bình dân và trung cấp có mức tăng thấp hơn là 1,5%.