Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng chống tham nhũng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã rất kiên quyết, kiên trì, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng, chỉ đạo phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xử lý nghiêm nhiều lãnh đạo cao cấp có hành vi tham nhũng với tinh thần tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Học, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Còn tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng.
Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương, qua sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy: từ năm 2016 đến nay, cả nước đã phát hiện 1.121 vụ án với 2.473 bị can tham nhũng, trong đó có 38/44 người có hành vi sai phạm liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng chưa tương xứng với vụ việc, vụ án tham nhũng đã được phát hiện, xử lý. Trong 5 năm qua, cả nước chỉ có 140 người đứng đầu bị đề nghị xử lý trách nhiệm, trong đó đã xử lý hình sự 8 người, xử lý kỷ luật 82 người. Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết, một trong những nguyên nhân của tham nhũng là người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chưa thực hiện đúng và đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định. Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền chưa được thường xuyên, chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được chú trọng, chưa chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên; việc tổ chức đối thoại, tiếp công dân chưa thực chất, còn hình thức. Qua việc xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức vụ, người đứng đầu vừa qua cho thấy đều có lỗi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái. Nhiều nội dung phải đưa ra bàn, quyết định tập thể nhưng cá nhân lại quyết định trước, quy định phải đấu thầu nhưng lại chỉ định thầu… “Những việc làm đó đều cho thấy bóng dáng của chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, sân trước, sân sau...”, ông Thực cho biết.
Cũng theo ông Thực, để phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng chống tham nhũng thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, tạo nhận thức sâu sắc, thống nhất và toàn diện đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế, thể chế, tạo môi trường thuận lợi để người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phòng chống tham nhũng. Người đứng đầu phải thực sự phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, gương mẫu trong điều hành, tiên phong trong phòng chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, phải công tâm, nghiêm minh trước hành vi tham nhũng. Hoàn thiện các quy định về quà tặng, kê khai, công khai tài sản, thu nhập, kiểm tra kết luận về không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập. Để ngăn chặn tham nhũng cần phải xây dựng được những cơ chế để kiểm soát quyền lực, qua đó mọi đối tượng đều không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.