Quốc hội cũng nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán này của Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán này của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 như sau: tổng số thu cân đối NSNN là 2.713.787 tỷ đồng. Trong đó số thu NSNN theo dự toán là 1.820.310 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 là 776.351 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2021 là 115.007 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 2.119 tỷ đồng.
Tổng số chi cân đối NSNN là 2.897.466 tỷ đồng. Trong đó chi NSNN theo dự toán là 1.750.790 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2023 là 1.146.676 tỷ đồng; bội chi NSNN 293.313 tỷ đồng, bao gồm bội chi ngân sách trung ương là 287.397 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 5.916 tỷ đồng. Tổng mức vay của NSNN là 488.406 tỷ đồng.
Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, qua kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản.
Kiểm toán nhà nước thống nhất với số liệu quyết toán NSNN năm 2022 do Chính phủ trình sau khi rà soát, thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN là: thu cân đối NSNN 2.713.787 tỷ đồng; chi cân đối NSNN 2.897.466 tỷ đồng; bội chi NSNN 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07 % GDP thực hiện. Kiểm toán đề nghị Chính phủ rà soát để thu hồi, nộp NSNN đối với nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 hết thời hạn giải ngân theo quy định.
Thẩm tra báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN. Nhờ đó, việc quản lý thu, chi NSNN đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác quyết toán NSNN có nhiều chuyển biến.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm như việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022 còn nhiều tồn tại, hạn chế tại một số bộ, ngành, địa phương; dự toán chi NSNN không sát, dẫn đến một số khoản chi thường xuyên, giải ngân đầu tư thực hiện thấp hơn nhiều so với dự toán; phải hủy bỏ hoặc chuyển nguồn sang năm sau lớn..
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, số quyết toán chi NSNN năm 2022 giảm khá nhiều so với dự toán và giảm lớn so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Điều này cho thấy cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về công tác lập dự toán chi NSNN, tổ chức triển khai thực hiện, chấp hành dự toán và theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện chi NSNN chưa sát sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN.
Việc lập dự toán chi NSNN, tổ chức thực hiện chưa tốt, đánh giá tình hình thực hiện chi NSNN không sát, gây lãng phí nguồn lực; phải vay, trả nợ lãi để bù đắp bội chi nhưng không có khả năng thực hiện, phải hủy dự toán… và ảnh hưởng đến việc xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và các năm sau.
Về nợ công, Ủy ban cho rằng, các chỉ tiêu nợ công năm 2022 được duy trì, đảm bảo trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng về công tác lập dự toán chi ngân sách nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện, tránh dự toán chi ngân sách không sát, gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời đề nghị có phương án xử lý, sử dụng số kinh phí còn lại của Quỹ Vaccine phòng Covid-19 là 3.000 tỷ đồng để bảo đảm việc quản lý, sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả nguồn kinh phí này và phù hợp với quy định.