Vẫn còn thiếu nhiều giáo viên, các địa phương đề xuất không giảm 10% biên chế ngành giáo dục

Ngày 14-12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học đã góp phần làm rõ thêm những kết quả, hạn chế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất để tiếp tục thực hiện đổi mới GD-ĐT thành công, hiệu quả.

2-2182-5712.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, bên cạnh kết quả đạt được, khó khăn vẫn còn nhiều với ngành giáo dục Lạng Sơn như cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều điểm trường, lớp ghép (730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép, thiết bị dạy học chưa được trang bị kịp thời); vẫn còn tình trạng thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1.029 giáo viên so với định mức quy định…

Tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GD-ĐT đề xuất Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 nhằm bảo đảm sự liên thông trong phát triển con người, đội ngũ trí thức, nhân lực cao. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, theo tinh thần ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên, đảm bảo lương nhà giáo được ưu tiên, yên tâm gắn bó với nghề...

1-9038.jpg
Hội nghị Bộ GD-ĐT, ngày 14-12

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Hà Nội đã có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo yêu cầu đổi mới của giáo dục. Tuy nhiên, Hà Nội có số lượng học sinh tăng cao, năm học này tăng hơn 11.000 học sinh lớp 1, 38.000 học sinh lớp 6. Hà Nội phải đầu tư để bảo đảm chỗ học cho học sinh, mỗi năm xây mới 30-40 trường học. Những năm qua, Hà Nội đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để bảo đảm mục tiêu giáo dục trên địa bàn.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị bổ sung vào báo cáo những hạn chế, bất cập, đó là chưa thực hiện được chủ trương về xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, Bộ Nội vụ cần quan tâm vấn đề này để thực hiện sớm; bổ sung việc thực hiện cơ chế tự chủ trong giáo dục phổ thông, hiện nay mới chỉ tự chủ đại học; ưu tiên dành đất của các cơ quan di dời để xây dựng trường học công lập, bảo đảm chỗ học cho học sinh.

Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ hoàn thiện đề án xác định vị trí việc làm, định mức để bảo đảm đội ngũ giáo viên. Đơn cử Hà Nội hiện thiếu hơn 10.000 giáo viên, do đó đề nghị không áp dụng máy móc giảm 10% biên chế đối với ngành giáo dục.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cũng kiến nghị cần có cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng khó khăn về lương, chính sách ưu đãi. Bảo đảm đủ biên chế đội ngũ (Kon Tum hiện nay còn thiếu 800 giáo viên); đề nghị không áp dụng máy móc giảm 10% biên chế đối với ngành giáo dục.

3-9967.jpg
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội báo cáo tại hội nghị

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh đầu tư trên 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng vì quy mô ngân sách nhỏ nên kinh phí “chưa thấm vào đâu”. Hiện, địa phương vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần quan tâm khắc phục như số trường thiếu phòng học để tổ chức dạy bán trú, dạy học 2 buổi/ngày còn nhiều; các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hệ thống cấp nước sạch, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu. Giáo viên vẫn bị thiếu, dù tỉnh có nhiều cơ chế chính sách nhưng khó tuyển giáo viên vùng sâu vùng xa; vẫn còn chêch lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn…

Tỉnh Bạc Liêu thống nhất đề nghị Bộ Chính trị ban hành kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29. Tỉnh cũng đề xuất Trung ương đầu tư ngân sách nhiều hơn cho giáo dục các tỉnh khó khăn, vì với tỉnh nghèo thì 20% ngân sách dành cho giáo dục vẫn là quá ít ỏi.

Ở khối ngành đại học, PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhìn nhận, thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta đã tháo gỡ “nút thắt” cho giáo dục đại học, nhất là có cơ chế tự chủ. Đây là giải pháp mang tính đột phá, mang lại sức sống cho giáo dục đại học và cần tiếp tục thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên, nhận thức của các bên liên quan về tự chủ đại học còn khác nhau. Nhiều quy định hiện hành chưa phù hợp với tự chủ đại học. Việc triển khai tự chủ đại học thiếu lộ trình rõ ràng; một số trường e ngại thực hiện tự chủ, có trường hiểu sai về tự chủ và lúng túng, làm chưa đúng quy định của pháp luật.

Từ thực tiễn, PGS-TS Bùi Anh Tuấn kiến nghị rà soát văn bản lại để điều chỉnh, sửa đổi hợp lý; xem xét xây dựng Nghị định mới về tự chủ đại học để thúc đẩy tự chủ; khuyến khích đầu tư tư nhân vào đại học, tăng cường giám sát của Nhà nước, hoàn thiện mô hình tự chủ đại học; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo.

PGS-TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính Viễn thông cũng cho rằng, Nhà nước cần có các quy hoạch về giáo dục đại học một cách rõ ràng, nhất là với các trường tự chủ. Nếu tự chủ nhưng không được hỗ trợ từ xã hội thì sẽ còn nhiều khó khăn. Tầm nhìn từ nay đến năm 2030, Việt Nam nên đầu tư thí điểm vào một số trường đại học có sức ảnh hưởng với nước ngoài để nâng tầm chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) đề nghị, nghiên cứu bổ sung huy động các cơ sở giáo dục trong quân đội tham gia đào tạo một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao và cấp thiết.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, sau hơn 20 năm, các trường trong quân đội đào tạo trên 93.000 người trình độ ở hệ dân sự. Việc các trường trong quân đội đào tạo không chỉ góp phần bổ sung nhân lực cho xã hội mà còn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng...

Tin cùng chuyên mục