Vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển nông nghiệp thông minh theo công nghệ 5.0

Ngày 23-7, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2024 với chủ đề “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị về kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam, hiện vẫn chưa phổ biến.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống đã đến ngưỡng về năng suất. Trong khi đó, chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt đặt ra mục tiêu rất cao.

z5660543690038_5b9fdfc48612c16d53aa382c7b2d941d.jpg
Diễn đàn Nông nghiệp 2024: “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0”, chiều 23-7

Cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nhóm ngành nông - lâm - thủy sản phải đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân nhóm ngành này từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu với tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm; phát triển nền nông nghiệp xanh, phấn đấu giảm phát thải khí CO2 mức 10% so với năm 2020.

“Để duy trì tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đề ra nêu trên là một áp lực lớn, đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng bước vào hành trình nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận xét.

Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần có nguồn nhân lực trình độ khoa học kỹ thuật cao tương ứng. Trên thực tế, ở nước ta hiện nay, người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực làm nông nghiệp nói chung, phần lớn còn làm nông nghiệp theo các phương thức truyền thống.

Trình độ tiếp cận khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư vào hạ tầng và công nghệ cho sản xuất nông nghiệp bước đầu khá tốn kém, khiến cho nhiều doanh nghiệp còn e ngại. Cùng với đó, việc tiếp cận các nguồn lực để đầu tư và phát triển ngành nông nghiệp rất khó khăn. Ngành nông nghiệp hiện nay đang đối mặt nhiều rủi ro, đầu tiên là vấn đề thị trường.

Do đó, tại diễn đàn, các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như: tăng cường năng lực tiếp cận nông nghiệp thông minh; tiếp tục triển khai sát với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và trang trại của mình để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp; các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao; mở rộng hợp tác quốc tế...

Tin cùng chuyên mục