Vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không: Tranh thủ “giờ vàng” cho người bệnh

Mặc dù vận chuyển bệnh nhân bằng đường không trong nhiều trường hợp cấp cứu là rất cần thiết, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai rộng rãi. Việc tận dụng loại hình vận chuyển cấp cứu này là cơ hội để cứu sống nhiều bệnh nhân.

“Cướp” thời gian vàng

Mới đây, khi đang làm việc trên một con tàu cá khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), anh Võ Văn Sỹ (54 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) đột nhiên bị đau đầu, yếu nửa người trái.

Sau khi được đưa vào Bệnh xá đảo Nam Yết, anh được các bác sĩ chẩn đoán bị đột quỵ não cấp giờ thứ 56, tăng huyết áp khó kiểm soát, phù não cấp. Tình trạng bệnh nhân vượt quá chuyên môn y tế của Bệnh xá đảo Nam Yết nên được chuyển về Bệnh viện Quân y 175 bằng đường không để cấp cứu kịp thời.

Vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng từ Trường Sa về đất liền để điều trị

Vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng từ Trường Sa về đất liền để điều trị

Đầu tháng 2-2023, một bé gái 9 tháng tuổi (ngụ huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) được phát hiện bị viêm cơ tim cấp. Gia đình đã thuê một máy bay trực thăng vận chuyển bệnh nhân về đất liền. Nhận được thông báo, xe cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đã có mặt khi máy bay vừa hạ cánh và chuyển bệnh nhi về bệnh viện. May mắn được cấp cứu kịp thời, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, một gia đình tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có con bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, đã thuê một máy bay trực thăng vận chuyển về đất liền. Sau khi máy bay hạ cánh ở Vũng Tàu, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc nhờ được phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ kịp thời. Được biết, chi phí thuê trực thăng vận chuyển cấp cứu về đất liền là 100 triệu đồng.

Theo Thượng tá - bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175, từ năm 2012, Bệnh viện Quân y 175 đã tiến hành những chuyến bay cấp cứu vượt biển đầu tiên, đưa cán bộ, chiến sĩ, ngư dân từ Trường Sa về đất liền cấp cứu khi có sự cố sức khỏe.

Đến năm 2016, bệnh viện thành lập Tổ cấp cứu đường không, cũng từ đây, hoạt động cấp cứu đường không được tổ chức một cách bài bản, chính quy. Đến nay, Tổ cấp cứu đường không đã thực hiện gần 100 chuyến bay vận chuyển cấp cứu đường không, và 100% bệnh nhân đều được cấp cứu thành công.

“Lợi ích lớn nhất của hình thức vận chuyển cấp cứu bằng đường không là giúp “cướp” được thời gian vàng trong cấp cứu và điều trị người bệnh. Đa số các bệnh nhân khi được lệnh chuyển về đất liền là những ca bệnh nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời có thể sẽ không giữ được tính mạng. Đặc biệt, từ cuối năm 2020, Bệnh viện Quân y 175 đưa vào hoạt động sân đỗ trực thăng đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển người bệnh”, Thượng tá - bác sĩ Vũ Đình Ân chia sẻ.

Nhu cầu lớn nhưng khó triển khai

Theo Thượng tá - bác sĩ Vũ Đình Ân, trước đây, trực thăng vận chuyển cấp cứu phải hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó bệnh nhân được vận chuyển bằng đường bộ về Bệnh viện Quân y 175 rất mất thời gian bởi quãng đường từ sân bay về bệnh viện thường xuyên rơi vào cảnh tắc đường, kẹt xe. Từ khi sân đỗ trực thăng của bệnh viện hoạt động thì thời gian mỗi chuyến bay vận chuyển cấp cứu đã rút ngắn thêm từ 15-30 phút, tranh thủ thời gian vàng cấp cứu người bệnh.

Thượng tá - bác sĩ Vũ Đình Ân cho rằng, nhu cầu vận chuyển cấp cứu bằng đường không ngày càng cao và loại hình này mang lại lợi ích lớn, thế nhưng chưa được nhân rộng. Do đó, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa việc nhân rộng, phát triển vận chuyển cấp cứu bằng đường không trong tương lai để tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế khẩn cấp cho người dân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh không may gặp sự cố về sức khỏe.

Khẳng định cấp cứu bằng đường không rất cấp thiết cho những trường hợp bệnh lý nguy kịch có thể can thiệp điều trị chuyên sâu trong khoảng thời gian nhất định, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đây là ước mơ của mỗi thầy thuốc tham gia công tác cấp cứu ngoài bệnh viện, các thầy thuốc chuyên khoa cấp cứu và của cả ngành y tế, nhất là đối với các trường hợp cấp cứu đa chấn thương sau tai nạn, đột quỵ, cấp cứu sản khoa... xảy ra ở những vùng xa, vùng hải đảo.

Tuy nhiên, thực tế loại hình vận chuyển cấp cứu bằng đường không rất khó triển khai cho những quốc gia mà nền kinh tế còn khó khăn vì chi phí vận hành rất cao, chưa kể những yêu cầu nghiêm ngặt về phương tiện hàng không (bao gồm cả phi hành đoàn) và hạ tầng giao thông đường không, về các quy chế phối hợp giữa nơi cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng không và dịch vụ cấp cứu ngoài bệnh viện, tại bệnh viện.

Vận chuyển bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền bằng trực thăng

Vận chuyển bệnh nhân từ Trường Sa về đất liền bằng trực thăng

“Ngay cả ở các nước có hệ thống y tế phát triển, việc vận chuyển cấp cứu bằng đường không cũng không được vận dụng một cách rộng rãi do chi phí cho dịch vụ này lớn. Gần đây, tại một số nước phát triển trong khu vực, việc vận chuyển tạng của người hiến tặng đến bệnh viện để ghép tạng cho người nhận cũng được xem xét bổ sung vào danh sách cấp cứu bằng đường không”, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng thông tin.

Để thực hiện vận chuyển cấp cứu bằng đường không hiệu quả, theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, cần có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, nhất là các sân bay, bãi đỗ. Tại TPHCM, trước đây, các ca bệnh nặng, phức tạp được cấp cứu bằng đường không từ hải đảo được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó dùng xe cứu thương chuyển tiếp bệnh nhân về bệnh viện.

Với cách này thì các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân không cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng sẽ kéo dài thời gian, ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Do đó, lý tưởng nhất vẫn là tiếp nhận bệnh nhân ngay bãi đáp trực thăng trong khuôn viên bệnh viện, khi đó thời gian chuyển bệnh nhân đến bệnh viện được rút ngắn. Đây là yếu tố mang tính quyết định đến kết quả điều trị, nhất là những bệnh lý cần được can thiệp trong khoảng thời gian vàng.

* GS-TS NGUYỄN GIA BÌNH, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam:

Cần hoàn thiện hệ thống cấp cứu

Việc vận chuyển, cấp cứu bằng đường không ở nước ta trong thời gian qua đã có những bước phát triển nhưng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, mô hình này khó có thể phù hợp với Việt Nam vì nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ sở hạ tầng, thiết bị và chi phí. Cùng với đó, thiếu nguồn lực chuyên sâu, trang thiết bị y tế; các quy định thủ tục về vùng bay, an ninh quốc phòng...

Do vậy, cần hoàn thiện thống nhất hệ thống cấp cứu này để cấp cứu các trường hợp khẩn cấp như: ghép tạng; người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo bị bệnh tật, tai nạn do thiên tai, bão lũ rất nguy kịch mà các phương tiện vận chuyển đường bộ không thể tiếp cận được.

* PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TPHCM:

Không nhất thiết mỗi bệnh viện đều có bãi đáp trực thăng

Cần tính đến chi phí - hiệu quả khi đầu tư sân bay trực thăng trên nóc các khối nhà trong bệnh viện; không nhất thiết mỗi bệnh viện đầu ngành đều có bãi đáp trực thăng vì TPHCM đã có Trung tâm Cấp cứu chịu trách nhiệm vận chuyển bệnh nhân nặng giữa các bệnh viện, cũng như quy trình phối hợp giữa các chuyên khoa của các bệnh viện theo quy trình báo động đỏ đã phát huy tác dụng. Việc quy hoạch phát triển sân bay trực thăng trong các bệnh viện cũng cần được tính trong tương lai.

Tại TPHCM, hiện mới chỉ có Bệnh viện Quân y 175 được cấp phép sử dụng sân đỗ trực thăng. Tính khả thi cho hoạt động cấp cứu bằng đường không tại TPHCM đã có, việc còn lại là làm thế nào để phát triển và vận hành hiệu quả hệ thống này.

THÀNH AN - NGUYỄN QUỐC ghi


Cần sớm gỡ các vướng mắc

Theo Sở Y tế TPHCM, trong các công trình ngàn tỷ mới được xây dựng tại TPHCM như Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Nhân dân 115 đã có sân đỗ trực thăng.

Đây là bước chuẩn bị để đón đầu nhu cầu cấp cứu của người bệnh, đặc biệt với các trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp, xa cơ sở y tế như ở khu vực đảo hoặc nơi xảy ra sự cố do tai nạn, thiên tai.

Hiện nay, việc cấp phép bay đang gặp vướng mắc khiến nhiều bệnh viện tuy có bãi đáp trực thăng nhưng chưa thể khai thác cấp cứu.

TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, hiện bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng về bãi đáp, nhưng để đưa vào hoạt động cần rất nhiều thủ tục, thẩm định, cấp phép, đầu tư…

Đối với bệnh nhân ung thư thì ít phải chuyển khẩn cấp, nhưng việc bệnh viện có sân bay cũng trở nên quan trọng nếu sử dụng làm nơi trung chuyển cấp cứu các bệnh lý khác đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Còn theo TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, đến nay việc thẩm định đã được thực hiện, còn về điểm bay và cấp phép do Bộ Quốc phòng quản lý. Đơn vị đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục cần thiết, đảm bảo chặt chẽ để có được các chuyến bay cấp cứu sớm nhất.

Tin cùng chuyên mục