Giống như nhiều người viết khác, Robert Fulghum thích triết lý về cuộc sống, chỉ có điều là triết lý của ông đến từ những chỗ không ai ngờ tới. Tác giả người Mỹ nổi tiếng hướng góc nhìn vào những thứ kỳ lạ: từ con đom đóm cho đến một đám tang, từ tiếng nấc cụt cho đến chiếc đồng hồ. Và từ cái tủ lạnh cùng việc ngồi cạnh nó vào lúc 2 giờ sáng.
Fulghum trở thành hiện tượng trong làng xuất bản Mỹ khi Trường mẫu giáo uyên thâm - tập sách đầu tiên tập hợp những ghi chép của ông ra đời vào năm 1988 ngay lập tức leo lên top best seller của The New York Times. Góc nhìn từ người thông thái và 6 cuốn sách sau đó cũng nối gót ấn phẩm đầu tiên, lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất.
Theo Wikipedia, có hơn 17 triệu cuốn sách của Robert Fulghum đã được in, xuất bản ở 103 quốc gia dưới 27 ngôn ngữ khác nhau. Tờ TIME cho hay, tên tuổi của Robert Fulghum không chỉ phổ biến với người đọc sách, mà các chương trình truyền hình và các buổi diễn thuyết cũng rất săn đón ông.
Robert Fulghum sinh năm 1937 và lớn lên ở Texas, Hoa Kỳ. Tuổi trẻ của ông trải qua nhiều công việc khác nhau: lao động chân tay, giao báo, làm việc tại trang trại, làm cao bồi, làm ca sĩ... Sau khi tốt nghiệp đại học và làm việc tại IBM trong một thời gian ngắn, Fulghum trở lại trường và lấy bằng về thần học, sau đó trở thành một mục sư. Ông còn dạy vẽ, dạy triết học, là hoạ sĩ chuyên nghiệp và nhà điêu khắc. Chưa hết, Fulghum còn hát và chơi nhạc cụ cho một ban nhạc do chính ông đồng sáng lập.
Những trải nghiệm đầy màu sắc là nền tảng cho trí tưởng tượng lớn và cái nhìn độc đáo trong văn chương Robert Fulghum. Trường mẫu giáo uyên thâm và Góc nhìn của người thông thái của ông dẫn độc giả bước vào hành trình suy tư không ngừng về "cuộc sống đầy rẫy những phức tạp không hồi kết này".
Ông chiêm nghiệm về cái chết, tình yêu, nỗi đau, niềm vui, sự đau thương lẫn món bít tết gà chiên ngon nhất nước Mỹ. Một người phụ nữ va vào cái mạng nhện cũng khiến ông suy nghĩ về thảm hoạ cuộc sống. Chiếc ngõ cụt khiến ông đặt câu hỏi về sự cố chấp của loài người. Ông còn tìm ra bài học ẩn giấu trong đống quần áo ở tiệm giặt là, những phẩm chất kỳ diệu của hộp bút màu hay mối liên hệ giữa trò chơi trốn tìm với bản chất của Chúa trời...
Riêng tác phẩm Trường mẫu giáo uyên thâm, theo Fulghum, chứa đựng những bài học cuộc sống hiển hiện nhưng "khó nắm bắt" - về sự công bằng, về việc nói lời xin lỗi, hay đơn giản ra đường nhớ coi chừng xe cộ và về việc nắm tay nhau. "Gọi là “khó nắm bắt” vì những bài học đó thường lẩn khuất trong cuộc sống. Ai ai cũng lướt qua chúng từ hồi còn mẫu giáo mà không biết rằng đó là những bài học để sống cùng trong cả một cuộc đời dài", Fulghum diễn giải.
Còn trong tác phẩm Góc nhìn người thông thái, Fulghum tiếp tục khám phá những bài học ý vị từ những câu chuyện nhỏ, bằng một nguồn năng lượng lẫn nỗi tò mò và tình yêu lớn dành cho cuộc đời.
Bản thân Robert Fulghum thừa nhận, có những câu hỏi cuộc sống cứ trở đi trở lại trong ông: Làm thế nào để cân bằng giữa sự trần tục và sự linh thiêng? Giữa tính hài hước và nỗi sầu muộn? Giữa thực tế và mong muốn? Giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung? Giữa phần con và phần người trong mỗi chúng ta? Làm sao để có thể đối xử với người khác đúng như cách ta muốn họ đối xử với mình, và tại sao điều đó lại khó thực hiện đến vậy?...
Bằng cách viết văn, Robert Fulghum sắp xếp lại các sự kiện trong cuộc đời mình, coi đó là một cách để cố gắng hiểu rõ bản thân cũng như thế giới chung quanh, dù chính ông cũng hiểu rằng "không cần phải đi đến một kết luận cuối cùng nào".
Với độc giả, dù bị dẫn vào mê cung bất tận của những suy tưởng từ Fulghum và lắm lúc phải "lạc đường", nhưng trên hành trình đó, họ sẽ phải bật cười, rồi ngạc nhiên và cảm động rất nhiều. Bởi bằng sự suy tư hài hước, bình thản nhưng đồng thời nghiêm túc của mình, Fulghum chân thành bắt người đọc đối diện với những câu hỏi cuộc sống của chính họ, cũng như nhận ra những bài học mà đôi khi họ sẵn sàng lướt qua.