Nghị quyết 112/ND-CP của Chính phủ vừa bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu”, thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 30-10-2017, liệu có đồng nghĩa với việc từ ngày này, sẽ… “vĩnh biệt” hộ khẩu ngay?
“Khai tử” nhưng chưa… “vĩnh biệt”
Theo Nghị quyết 112/ND-CP của Chính phủ, hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” được bãi bỏ, thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Cùng với đó, các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu… được bãi bỏ.
Luật sư Trần Quí Lễ phân tích, Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ "về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an". Văn bản này là "Nghị quyết của Chính phủ", do Thủ tướng ký thay mặt Chính phủ, không phải Quyết định ban hành bởi cá nhân Thủ tướng.
Trong khi đó, xét Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22-6-2015 thì "Nghị quyết của Chính phủ" không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, việc áp dụng nó cũng không chịu sự điều chỉnh được quy định tại điều 156 Luật này, theo đó văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Nên câu "Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành" tại điều 4 Nghị quyết 112/NQ-CP không mang nghĩa "Nghị quyết được ký thì hộ khẩu được bỏ" cùng thời điểm.
Như vậy cần phải hiểu hộ khẩu, CMND và quá nhiều thủ tục “hành là chính” khác được nêu tại Phương án kèm theo Nghị quyết 112/NQ-CP sẽ được từ từ bỏ “phù hợp với thời điểm” hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư". Nói cách khác, chừng nào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoàn thành và vận hành thì các “món” hộ khẩu, CMND… chưa bỏ.
Doanh nghiệp không quan tâm đến hộ khẩu của người làm
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam cho hay, không có doanh nghiệp nước ngoài nào cũng như tư nhân quản lý nhân viên bằng hộ khẩu. Chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến năng suất, kết quả công việc nhân viên mang lại làm ra lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài không để ý đến lý lịch hay xuất thân của người lao động mà đưa ra tiêu chí không phạm pháp và hiệu quả trong quá trình làm việc.
Ông Vũ Tuấn Anh nói: “Từ lâu, người dân, đặc biệt là những người xa quê, cảm thấy căng thẳng khi nhắc đến hộ khẩu. Trong khi, hộ khẩu không đóng vai trò quan trọng và không nhất thiết phải có trong quản lý xã hội”.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và An ninh mạng quốc tế Athena Võ Đỗ Thắng cho rằng trước đây, hộ khẩu phát huy vai trò trong thời cao cấp - thời kỳ quản lý qua tem phiếu, dân cư ít dịch chuyển. Hiện nay, hộ khẩu “có mặt” trong nhiều thủ tục hành chính, khiến người dân cảm thấy bất tiện.
Ông cho biết thêm với thời đại số hóa như hiện nay, hộ khẩu trở thành phương tiện quản lý lỗi thời. Thay vào đó, thẻ căn cước tích hợp tất cả dữ liệu nhân thân về công dân mới là phương án “vẹn cả đôi đường” - thuận tiện cho cả nhà quản lý lẫn người dân.
Người dân muốn xác nhận giấy tờ hay cơ quan chức năng muốn xác minh thông tin chỉ cần truy cập hệ thống liên thông cơ sở dữ liệu công dân, tìm thông tin bằng mã số trên thẻ căn cước. Cách làm này giúp đôi bên tiết kiệm thời gian, sức lao động, giảm áp lực.
Vấn đề nằm ở chỗ cơ quan quản lý thống nhất thông tin về công dân trên hệ thống dữ liệu như thế nào và cấp thẻ căn cước công dân ra sao. Khoa học công nghệ chính là trợ thủ đắc lực trong công tác trên.