Từ 9 giờ sáng nay, tại trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH), Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ hai dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Cuộc họp gồm có đại diện của ba bên là Bộ LĐTB-XH (đại diện cơ quan quản lý Nhà nước), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động).
Trao đổi với báo chí tại cuộc công bố khảo sát đời sống và mức thu nhập của công nhân và người lao động trong năm 2018 vào ngày 12-7 vừa qua, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức đề nghị tăng 8% là có cơ sở tính toán trước sự khởi sắc chung của nền kinh tế, căn cứ chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29%; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,08% trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, theo ông Hiểu, mức tăng này là để đảm bảo điều kiện sống cho người lao động theo tinh thần của Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đề án cải cách tiền lương đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Theo ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, công đoàn đưa ra đề xuất mức tăng là 8% còn tăng bao nhiêu thì sẽ phụ thuộc kết quả thương lượng sắp tới. Ông Thọ cho rằng cần thiết phải tăng trong năm 2019, nếu không thì đến năm 2020 doanh nghiệp có chịu được mức đề xuất tăng 20% hay không?
Còn ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết theo lộ trình đến năm 2020, mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Hiện nay mức lương tối thiểu vùng đã đáp ứng được 92% mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Vì vậy còn 8% từ nay đến năm 2020, chia ra mỗi năm 2019 và 2020 phải tăng 4% thì mới đạt được yêu cầu.
Hôm nay, phía VCCI vẫn chưa đồng thuận với mức đề xuất tăng lương tối thiểu nhưng cũng không còn giữ đề nghị dừng tăng tiền lương tối thiểu trong năm 2019. Theo nguồn tin của Báo SGGP, không thể có chuyện áp dụng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 0% mà đề xuất của hai bên có thể sẽ “gặp nhau” ở mức tăng 4-5%, nhưng theo dự đoán có thể lên 6-7%.
Trong trường hợp cả hai bên không thể tìm được tiếng nói chung, Bộ LĐTB-XH có thể đưa ra một mức cụ thể để hai bên cùng thương lượng tiếp như các lần thương lượng trước. Thông thường, phải sau 3 lần mới “chốt” được mức tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động.